Chiều nay 28/11, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ hai đã bế mạc sau một ngày làm việc. Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 7,5% và sẽ tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Thành phố Hà Nội cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 3,94%, tuy không đạt kế hoạch 7,5% nhưng là mức cao so với các địa phương khác và so với mức chung của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 279 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019.
Năm 2021, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%. Đồng thời thống nhất nội dung chủ đề công tác năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, đổi mới và phát triển”. Thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định hướng phát triển 5 năm 2021-2025 và kế hoạch năm 2021, các đại biểu đề nghị sớm hoàn thiện quy hoạch Thủ đô, xây dựng chính quyền điện tử, thu hút nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời mong muốn thành phố tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm, hệ thống giao thông lớn, đồng thời, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết: “Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất với chủ đề năm 2021, đặc biệt tâm đắc với thành tố “phát triển”. Vì 2021 nếu chúng ta không tăng cường phát triển, tăng cường chỉ tiêu thì rất khó khăn. Về chỉ tiêu, cơ bản thống nhất với tốc độ tăng trưởng từ 7,5-8%. Chỉ tiêu thu 2021 thấp hơn 2020 thì nên tăng hơn".
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý những khuyết điểm, yếu kém cần khắc phục thời gian tới. Đó là một số chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch; việc quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng ngân sách tuy được tích cực triển khai, nhưng nợ đọng vẫn còn lớn; công tác giải quyết việc làm, tuyển sinh, đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, thất nghiệp cao hơn so với cùng kỳ tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đáp ứng tiến độ đề ra; các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) của Hà Nội còn ở mức thấp. Nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải còn rất phức tạp và chưa có chuyển biến căn bản....
Nêu rõ 8 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ thực hiện phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho các quận huyện trong quản lý đầu tư để thúc đẩy phát triển hạ tầng thành phố. Trong đó đề nghị xây dựng, phê duyệt ngay trong quý 1 năm 2021 và triển khai thực hiện 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Ngân sách thành phố cần tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung; hệ thống các cầu bắc qua sông Hồng; những dự án trọng điểm của Thủ đô có vai trò thúc đẩy liên kết các tỉnh vùng Thủ đô, liên kết các huyện; đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Thành phố phía Bắc sông Hồng; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các huyện phía Nam thể hiện quan điểm phát triển đồng đều; đồng thời quan tâm đầu tư thúc đẩy các huyện sớm trở thành quận trong giai đoạn 2021 – 2025"./.