chu_tich_fade.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự cuộc gặp Cấp cao Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Thưa quý vị và các bạn!

Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng quý vị và các bạn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Thương mại quốc tế Peru tổ chức sự kiện quan trọng này. Những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị có ý nghĩa thiết thực đối với kinh tế khu vực và thế giới. Nhiều đề xuất của các bạn là cơ sở quan trọng để các nhà lãnh đạo cân nhắc, quyết định hướng đi của APEC trong thời gian tới.

Nhân dịp này, tôi chúc mừng những thành công nổi bật và đóng góp hết sức quan trọng của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong chặng đường vừa qua. Các bạn chính là những người đi đầu trong việc đề xuất và hiện thực hóa nhiều ý tưởng về tăng trưởng và hợp tác, liên kết của Diễn đàn APEC cũng như toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Thưa quý vị và các bạn!

Khi nói về tương lai, chúng ta phải bàn về những thách thức ở phía trước. Năm nay là năm thứ năm liên tiếp tăng trưởng toàn cầu ở dưới mức trung bình 3%. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng chung của APEC có nguy cơ chậm lại so với thế giới. Thương mại toàn cầu cũng ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Thậm chí còn có lo ngại về nguy cơ lần đầu tiên có thể diễn ra sự đảo chiều của xu thế toàn cầu hóa trong thế kỷ 21.

Khu vực chúng ta vẫn là nơi chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, tác động nặng nề đến các nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp. Chỉ trong thập kỷ qua, những thảm họa đó đã cướp đi sinh mạng của nửa triệu người, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 1,4 tỷ người dân - chiếm 80% nạn nhân của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Cùng với đó, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh tài nguyên, nhất là nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khoảng cách phát triển, vấn đề di cư… đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có đối với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng địnhvai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế.

Với tinh thần đó, Việt Nam đề nghị chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần chung sức, đồng lòng tạo động lực mới, làm sống động thương mại và đầu tư. Đây chính là động lực cho phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng công bằng vì người dân chúng ta. Chúng ta cần ưu tiên hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng và tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với cam kết toàn cầu triển khai mạnh mẽ Chương trình nghị sự về phát triển bền vững và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu đang tạo động lực mới để tăng trưởng chất lượng. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm và công bằng. Cần ưu tiên nâng cao năng suất lao động; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh tài nguyên, nhất là nguồn nước và năng lượng sạch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa...

Những liên kết kinh tế sâu rộng mang tính bước ngoặt của khu vực đã và đang hình thành mạnh mẽ, nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng ASEAN…. Xu thế đó hứa hẹn mang lại không gian phát triển rộng lớn với những tiềm năng hợp tác mới. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh kết nối trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở - thể chế - con người, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch... nhằm nâng cao năng lực tự cường của các nền kinh tế.

Tất cả những động lực đó là nền tảng để vượt qua thách thức, cùng xây dựng tương lai tươi sáng. Đó là kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp,góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Thưa quý vị và các bạn!

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước kém phát triển đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình. Đất nước chúng tôi hiện là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và dự báo đến năm 2020 sẽ nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo.

Chúng tôi tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế, năm 2015 đạt mức tăng trưởng 6,7% - cao nhất kể từ năm 2011 và dự báo sẽ tiếp tục là một trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thời gian tới. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5% đến 7%.

Do đó, chúng tôi quyết tâm thực hiện ba đột phá lớn, đó là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; và đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nhất là các ngành công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển và ngành du lịch.

Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, minh bạch, hiệu quả, vì người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong những nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam ngày càng gắn kết sâu rộng với hai bờ Thái Bình Dương thông qua các quan hệ đối tác, Cộng đồng ASEAN và mạng lưới 16 FTA với 59 đối tác, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC. Hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp APEC tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tại các nền kinh tế APEC là minh chứng sinh động của sự gắn kết này. Có thể kể đến thành công của tập đoàn Viettel, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Việt Nam, tại Peru.

Chúng tôi luôn trân trọng sự ủng hộ và đồng hành của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong suốt chặng đường 30 năm đổi mới và gần 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC. Sự hỗ trợ quý báu của các bạn là nguồn cỗ vũ lớn lao, đã góp phần để Năm APEC 2006 tổ chức lần đầu tại Việt Nam đạt nhiều kết quả có ý nghĩa.

Hôm nay, các bạn tiếp tục hiện diện tại đây để cùng hướng tới một Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mới. Thông qua các hoạt động APEC, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, tôi đề nghị các bạn cùng đề xuất sáng kiến, ý tưởng để cụ thể hóa các ưu tiên cho Năm APEC 2017 và thúc đẩy sự tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng rất mong đợi những sáng kiến của các bạn để đẩy mạnh hơn nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020 và triển khai hiệu quả hơn các chiến lược, lộ trình, chương trình hành động của APEC. Chúng ta cần tiếp tục tập trung thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, làm sâu rộng liên kết kinh tế khu vực, nâng cao năng lực và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Đây là những vấn đề thiết yếu đối với APEC trong những năm tới.

Thưa quý vị và các bạn!

APEC sắp bước vào thập kỷ thứ tư của quá trình phát triển. Tương lai và vận mệnh chung của APEC phụ thuộc vào tầm nhìn của các thành viên và cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, chúng ta cần cùng nhau thảo luận để kiến tạo tầm nhìn mới cho APEC sau năm 2020, tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu trong giai đoạn mới.

Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong chào đón các bạn tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp vào tháng 11 năm tới. Những cơ hội mới và tiềm năng hợp tác to lớn đang chờ đón tất cả chúng ta!

Xin trân trọng cám ơn!./.