Đây là một trong những đồng thuận vừa đạt được giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ lần thứ 67 tại New York, Mỹ.

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại phiên họp Đại hội đồng LHQ lần này.  

PV: Xin Thứ trưởng cho biết về nội dung và kết quả cuộc họp không chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 67?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Đây là cuộc họp thường niên bên lề Đại hội đồng LHQ và có hai nội dung chính. Thứ nhất, các Bộ trưởng đã bàn về sự phối hợp của ASEAN trong những vấn đề liên quan của LHQ và tăng cường hợp tác ASEAN-LHQ. Thứ hai là bàn những vấn đề chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao ASEAN vào cuối năm nay.

Với nội dung thứ nhất, dự kiến ASEAN sẽ đệ trình một nghị quyết để tăng cường hợp tác giữa hai bên, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, bảo vệ hòa bình và thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.  Đây là những nội dung chia sẻ lợi ích chung giữa ASEAN và LHQ, đồng thời ASEAN cũng mong muốn LHQ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực xóa đói giảm nghèo, xây dựng cộng đồng ASEAN và tăng cường kết nối ASEAN.

pham-quang-vinh1.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Về việc chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 12 tới ở Campuchia, các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tăng cường cộng đồng ASEAN và tăng cường kết nối ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác của ASEAN với các bên đối tác, trong đó đặc biệt thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như giải quyết hiệu quả các thách thức đang đặt ra.

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh an toàn hàng hải trong khu vực, các nước ASEAN đều nhấn mạnh rằng phải tăng cường hơn nữa việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Liên quan đến Biển Đông, các nước cũng nhấn mạnh nguyên tắc phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC), giải quyết hòa bình các tranh chấp và tôn trọng Công ước Luật Biển và đặc biệt là ủng hộ tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông; sớm đi vào thương lượng chính thức về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để có thể bảo đảm một cách tốt hơn và hiệu quả hơn hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực này. Những nội dung này sẽ là những bước đi quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của các hội nghị vào cuối năm nay của ASEAN.

PV: Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton về những bước đi tiếp theo để nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược, ông đánh giá thế nào về cuộc họp này?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: ASEAN và Mỹ đã có những cuộc trao đổi rất tích cực theo quyết định của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Mỹ là làm sao để có thể đưa quan hệ Mỹ-ASEAN lên tầm đối tác chiến lược.

Trong quá trình trao đổi, các nước cũng đánh giá cao sự ủng hộ và cam kết của Mỹ trong hỗ trợ và giúp đỡ ASEAN về xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN cũng như tăng cường phát triển khu vực này. Các nước cũng đánh giá rất cao sáng kiến cũng như cam kết của Mỹ đối với việc tiếp tục ủng hộ khu vực tiểu vùng Mê Kông, thông qua sáng kiến về hợp tác giữa Mỹ với các nước hạ nguồn Mê Kông.

Trong quá trình chuẩn bị đó, các nước tin rằng Hội nghị ASEAN và Mỹ vào dịp cuối năm sẽ tạo đà mới cho việc thúc đẩy quan hệ hai bên lên tầm đối tác chiến lược. Hợp tác ASEAN-Mỹ và giữa ASEAN với các đối tác trải dài trên rất nhiều nội dung. Ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có an ninh an toàn hàng hải là một nội dung và hai là hợp tác phát triển kinh tế.

PV: Thứ trưởng nhận định thế nào về việc LHQ quyết định chọn chủ đề phiên thảo luận chung của Đại hội đồng lần này là “Điều chỉnh hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình”?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Ở đây, có lẽ chúng ta phải nhìn nhận vấn đề dưới góc độ là nếu không có hòa bình thì không thể phát triển được. Theo quan điểm của Việt Nam: Thứ nhất, một nền hòa bình bền vững cần dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai, các nước cần phải xây dựng một nền văn hóa hòa bình và bao dung. Thứ ba, các nước phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình đã được quy định trong luật pháp quốc tế và các thỏa thuận quốc tế.              

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.