Năm 2017, Việt Nam lần thứ 2 vinh dự đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Điều này thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam sau gần 20 năm gia nhập Diễn đàn này.
Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ hai (SOM 2) tại Hà Nội |
Sự kiện hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quan hệ của ta với các đối tác song phương và cũng là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, đem lại những lợi ích tích cực và thiết thực.
Nâng cao vị thế của Việt Nam
Việc tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017 kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại đánh giá cao cho Việt Nam trong công tác tổ chức mà còn cho thấy đóng góp với tư cách là người dẫn đường khi đưa APEC trong một thời điểm còn nhiều khó khăn, phức tạp của nền chính trị và kinh tế thế giới tới con đường thúc đẩy tự do hóa thương mại vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho khu vực.
Trước tình hình thế giới nhiều biến động, thách thức và rủi ro ngày một gia tăng gây tác động nặng nề tới các nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu theo đó giảm xuống mức thấp nhất sau khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008-2009, chỉ đạt 2,2%. Thêm vào đó, lợi ích từ toàn cầu hóa chưa được phân bố đồng đều khiến xu thế bảo hộ thương mại và các tư tưởng chống toàn cầu hóa tăng lên, đặc biệt tại Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Ứng phó với tình hình mới hiện nay, Việt nam trong vai trò chủ nhà đã đề xuất chủ đề hoạt động cho năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với mục đích thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng và được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất 4 ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017 bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với chủ đề và những ưu tiên như đã định, APEC 2017 với sự chủ trì và dẫn dắt của Việt Nam dự kiến sẽ đưa ra những sáng kiến, biện pháp và chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo ra những lợi ích gắn liền với người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Mở đầu hoạt động Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 2 tại Hà Nội
Nâng tầm quan hệ song phương
APEC là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương với 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới.
Hiện nay, 13/15 các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là với 18 nền kinh tế thành viên APEC. Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong Trung Quốc), Malaysia và Singapore.
Vì vậy, ngoài việc đóng góp vào thành công chung của hợp tác đa phương APEC 2017, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC lên một tầm cao mới với chiều sâu và hiệu quả hơn nữa. Đây là cơ hội tiếp xúc song phương với các thành viên nhằm trao đổi các phương hướng về chiến lược, biện pháp cụ thể làm sâu sắc hơn các quan hệ, hợp tác để bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của nền chính trị-kinh tế thế giới đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp, đồng thuận, nâng tầm ảnh hưởng của nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, trong đó có APEC, ASEAN, ASEM, WTO...SOM 2 APEC 2017 tìm hướng đi cho ngành công nghiệp ô tô
Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt
Với quy mô và tầm quan trọng của mình, APEC khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp uy tín hàng đầu thế giới sang làm ăn, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam, tạo ra cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát triển.
APEC 2017 sẽ mang lại cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam để tác động tích cực vào việc thay đổi thể chế, chính sách. Với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, 8 Hội nghị Bộ trưởng, cấp Bộ trưởng, tương đương Bộ trưởng và đặc biệt là sự kiên được mong chờ nhất với phía doanh nghiệp là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng, APEC 2017 sẽ luôn có các hoạt động tương tác gần gũi, thiết thực giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, các nhà hoạch định chính sách. Chính sự tương tác này và cùng với sự quan tâm, lắng nghe của các nhà hoạch định chính sách sẽ chuyển hóa thành những chính sách, những cam kết của APEC đem lại tác động thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc..., cùng hơn 1000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 sẽ mang lại nhiều cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn.
Chính vì vậy, Năm APEC 2017 được coi là thời điểm “vàng” ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp Việt nhằm tương tác với cơ quan chức năng, tác động vào các thể chế, chính sách cũng như để học tập kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác phát triển hơn trong khu vực.
Năm APEC 2017 được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của APEC là Diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, đi đầu thúc đẩy tăng trưởng, hội nhập và liên kết của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đăng cai tổ chức Diễn đàn lần này, Việt Nam với những kỳ vọng thiết thực và cụ thể hứa hẹn sẽ đem lại những không gian phát triển rộng lớn với những tiềm năng hợp tác mới cho Việt Nam nói riêng cũng như khu vực nói chung./.