vov_8g9a2172_zlch.jpg

Thực hiện phân công của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệtrân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình và có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. (Ảnh: Minh Đạt)

Thảo luận về các vi phạm liên quan dự án BOT, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã và đang chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư BOT. Đây là chủ trương cần thiết và đúng đắn, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Chính phủ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. (Ảnh: Minh Đạt)

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp để bảo vệ thương hiệu cà phê, tiêu và các sản phẩm khác sau vụ “cà phê pin”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: qua báo cáo của Bộ Công an, thực chất là trộn pin với vỏ cà phê để trộn với hạt tiêu chứ không phải để pha chế cà phê. Bộ Công an đã ngăn chặn kịp thời nên không có tác động gì lớn đến các sản phẩm cà phê và hồ tiêu. (Ảnh: Minh Đạt)

Trả lời chất vấn của đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) về tình trạng thuốc giả, kém chất lượng, Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ thuốc giả, kém chất lượng của thế giới trung bình 10%, của Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 2,1%. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, như vụ thuốc ung thư giả. Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời tăng cường quản lý của Bộ Y tế.(Ảnh: Minh Đạt)

Đối với vấn đề tiền ảo đang gây ảnh hưởng trên thị trường, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang nghiên cứu khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo. Theo Phó Thủ tướng, thực tế thời gian qua có hiện tượng bà con mua máy về “đào” bitcoin, xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, xuất hiện thẻ cào thanh toán trên mạng, kinh doanh đa cấp trên mạng…Thủ tướng đã kịp thời ban hành đề án giao Bộ Tư pháp, NHNN, các bộ ngành liên quan nghiên cứu khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo. Phó Thủ tướng khẳng định pháp luật hiện chưa cho phép lưu hành tiền ảo. (Ảnh: Minh Đạt)

Về tiêu chí để chọn cán bộ ở đặc khu, Phó Thủ tướng khẳng định: Cán bộ cho đặc khu cũng phải đặc biệt như mô hình đặc khu. Cho rằng, các quy định lựa chọn Chủ tịch trong Dự thảo luật về đặc khu là rất quan trọng, với một quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn, Phó Thủ tướng tin tưởng sẽ chọn người đủ đức tài chèo lái đặc khu. (Ảnh: Minh Đạt)
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì KTXH của các địa phương đó phát triển đến mức nào, đóng góp thế nào trong nền kinh tế Việt Nam? Mối quan hệ phát triển kinh tế ở 3 đặc khu với sự ổn định an ninh quốc phòng và toàn vẹn đất nước trong 50 năm, 100 năm và lâu hơn nữa? Phó Thủ tướng nêu rõ: trên thế giới, việc ra đời đặc khu để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế và tạo cực tăng trưởng. Dự thảo luật về Đặc khu hiện Quốc hội đang thảo luận, trên cơ sở tính toán tổng thể lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, quốc phòng an ninh. (Ảnh: Minh Đạt)

Cũng có những lúc ông tỏ rõ thái độ quyết liệt khi khẳng định vai trò của Chính phủ trong điều hành kinh tế đất nước. Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) về câu hỏi liên quan tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người, kể cả những người đang làm việc và những người sắp bước vào thị trường lao động. Kinh nghiệm các nước giải quyết việc này rất sớm và có lộ trình chặt chẽ, dựa vào tổng thể nhiều yếu tố, không tạo sốc cho thị trường lao động.
 
Theo Phó Thủ tướng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu mà không tạo việc làm mới cho người bước vào thị trường lao động thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu được. Rồi liên quan đến cơ cấu ngành nghề vì có ngành, người lao động muốn nghỉ sớm. Rồi vấn đề già hoá dân số, bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ còn cách nhau 5 tuổi là quá xa so với thế giới...(Ảnh: Minh Đạt)

Chiều 6/6, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, liên quan đến 4 lĩnh vực. Nhận xét về phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ và các Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn là những vấn đề KTXH lớn, quan trọng, bức xúc được đại biểu và cử tri, dư luận quan tâm. Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Đổi mới “hỏi ngắn, đáp gọn” đã có kết quả tích cực, được đại biểu và cử tri đánh giá cao. (Ảnh: Minh Đạt)