Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.

Mở đầu các bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đều bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về những mất mát to lớn do động đất và sóng thần gây ra. “Với tình cảm chân thành và hữu nghị, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực góp phần và luôn mong muốn nhân dân Nhật Bản vượt qua những khó khăn, nhanh chóng ổn định và phát triển” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

anh-2.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Việt Nam hoanh nghênh Hội đồng thống đốc ADB đã lựa chọn những chủ đề rất thiết thực và có ý nghĩa quan trọng để thảo luận tại Hội nghị lần này. “Chúng tôi mong đợi Hội nghị sẽ có những quyết định quan trọng, cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của ADB, góp phần phát triển khu vực ngày càng thịnh vượng và giải quyết những vấn đề chung của thế giới” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Việt Nam mong muốn, với vai trò là một thể chế tài chính, một tổ chức có vị trí quan trọng trong hợp tác phát triển khu vực, ADB cần tập trung vào những nhiệm vụ, thách thức chung đang nổi lên của khu vực và toàn cầu như tăng trưởng bền vững và cân bằng, phát triển năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực. Các trợ giúp của ADB cần ưu tiên cho phát triển hạ tầng, hỗ trợ giảm nghèo đi đôi với bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, giúp các nước trong khu vực thu hẹp khoảng cách phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3/2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.

“Đây là nguồn lực quí báu, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển của Việt Nam về kinh tế, xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội. Các nhà lãnh đạo ADB đã tận mắt chứng kiến những thay đổi rõ rệt cùng những thành tựu kinh tế-xã hội và giảm nghèo của Việt Nam, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống của người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, an sinh xã hội được bảo đảm, các điều kiện về vệ sinh môi trường và khả năng tiếp cận nguồn nước sạch được nâng cao” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên” – Thủ tướng cam kết.

Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nhập và hợp tác khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng và bổ trợ lẫn nhau cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu. Khu vực Châu Á và Châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu với vai trò và tiếng nói lớn hơn. Hợp tác ASEAN và ASEAN+ ngày càng thiết thực, cụ thể hơn với việc hình thành nhiều hình thức liên kết và hợp tác đa dạng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn ADB đóng vai trò chủ động và tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy hội nhập, hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực; đóng góp thiết thực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngay sau phần phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ADB Haruhiko Koruda cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà, đồng thời chúc mừng Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Kết quả này có ý nghĩa to lớn trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tăng cường vai trò châu Á trong hệ thống tiền tệ quốc tế

Trong bài phát biểu khai mạc “Tương lai của Châu Á: Thách thức Khu vực, Trách nhiệm Toàn cầu” ông Kuroda nói rằng khu vực châu Á và Thái Bình Dương nổi lên nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và phải đối phó với những thách thức về nghèo đói, bất bình đẳng, đô thị hóa quá nhanh, sự xuống cấp của môi trường, và biến đổi khí hậu ngày càng lớn và vẫn đang tiếp diễn.

Trong khi nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng trong vài thập kỷ, ông Kuroda cũng chỉ ra rằng “Đây không chỉ là vấn đề tăng trưởng về số lượng, mà còn cả tăng trưởng về chất lượng. Tăng trưởng bền vững là cần thiết – sự tăng trưởng mang lại nhiều công ăn việc làm hơn, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương không thể thịnh vượng hay đạt được những thành quả mong muốn nếu những lợi ích từ tăng trưởng không được chia sẻ công bằng”.

Ông Kuroda đã nói về 5 vấn đề chủ chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm mở khóa cho tiềm năng phát triển của khu vực.

“Một là vai trò lãnh đạo sáng suốt và cam kết quản trị điều hành hợp lý. Nhiều quốc gia châu Á đang phát triển tiếp tục xếp thứ hạng khá thấp trong mức đánh giá quản trị điều hành – điều này cần phải được thay đổi nhằm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng. Chúng ta cần phải hỗ trợ người nghèo và đảm bảo sự công bằng trong thể chế và giá trị của mỗi công dân”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các yếu tố khác bao gồm thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 750 triệu USD/năm từ nay đến năm 2020; hệ thống tài chính vững mạnh nhằm phân bổ vốn dự trữ của khu vực cho những nhu cầu về phát triển của châu Á; chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong và ngoài khu vực, gia tăng hợp tác và hội nhâp khu vực.

Chủ tịch cũng nhấn mạnh nhu cầu cần phải làm cho các hệ thống tài chính cởi mở hơn nữa đối với người nghèo. Ông nói: “Điều này sẽ giúp các gia đình có thể hưởng lợi được từ các cơ hội kinh tế, kiểm soát các cú sốc về tài chính, và có thể tiếp cận được tới các nhu cầu về giáo dục và y tế”.

Ông Kuroda cũng nói rằng khu vực châu Á cần phải học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các khu vực phát triển khác như Châu Mỹ La tinh. Châu Á cũng cần phải lưu tâm đến quan hệ hợp tác Nam – Nam liên khu vực đang ngày càng lớn mạnh, mối quan hệ hợp tác sẽ tăng cường sự tăng trưởng của châu Á và đóng góp vào sự ổn định của kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, tăng trưởng bền vững cũng cần phải kết hợp với đầu tư vào sự đổi mới và công nghệ, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Gia tăng hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng sẽ giúp châu Á cải thiện được tính linh hoạt của nền kinh tế và đáp ứng hiệu quả hơn với những thách thức toàn cầu như giá hàng hóa đang gia tăng, sự xuất hiện của tình trạng khan hiếm năng lượng, lương thực và nguồn nước.

Bên cạnh việc đối phó với những thách thức quốc gia và khu vực, ông Kuroda cũng kêu gọi khu vực châu Á và Thái Bình Dương gánh vác những trách nhiệm toàn cầu ngày càng lớn trong việc đối phó với những vấn đề như biến đổi khí hậu và tái cân bằng nền kinh tế.

Ông khuyến nghị khu vực châu Á có thể vạch ra tiến trình đi đến tăng trưởng bền vững thông qua việc áp dụng một mô hình tăng trưởng xanh sẽ hỗ trợ việc quản lý môi trường như nền móng cho đổi mới và tăng trưởng.

Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, khu vực châu Á sẽ được đặt vào vị trí dẫn dắt sự mất cân bằng toàn cầu bằng cách mở rộng thị trường của riêng mình và trở thành đầu mối của nhu cầu toàn cầu. Ông nói “chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về một đại nhà máy châu Á và nhìn nhận khu vực này như đại khách hàng”.

Cuối cùng, thông qua tăng cường các hệ thống tài chính, châu Á có thể thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng một cơ cấu quản trị điều hành và tài chính thế giới mới. Ông Kuroda nhắc lại đề xuất về Đối thoại Ổn định Tài chính châu Á ở cấp khu vực và nói rằng không có những nỗ lực hiệp lực nhằm đảm bảo sự ổn định của một hệ thống, thì sự ổn định của một cá nhân nền kinh tế cũng không thể được đảm bảo.

Ông nói “Châu Á cần phải thể hiện tài lãnh đạo trong những vấn đề nóng bỏng toàn cầu và sản phẩm công toàn cầu. Phối hợp làm việc vì một sản phẩm tốt hơn không phải lúc nào cũng dễ dàng, và đôi khi đòi hỏi phải hi sinh các lợi ích cá nhân. Nhưng điều này là cần thiết. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại chúng ta lại có thể kết nối cả khu vực và toàn cầu như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng cơ hội duy nhất này để đối phó với những thách thức chung”./.