>> Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm 65 năm ngành Ngoại giao

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2010). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và phát biểu.

Tham dự buổi lễ còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương và chúc mừng ngành Ngoại giao về những thành tựu rất đáng tự hào mà toàn ngành đã giành được trong những năm qua.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tổng Bí thư chỉ rõ sứ mạng của Cách mạng Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Do đó, nhiệm vụ bao trùm và quan trọng hàng đầu của ngành Ngoại giao thời gian tới là tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc hơn nữa môi trường hoà bình, ổn định, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi, thu hút ngày càng nhiều và hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu ngành Ngoại giao cần quán triệt sâu sắc và nắm chắc 5 định hướng lớn trong thời gian tới.

Thứ nhất, phải luôn nắm vững “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ hai, tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực; bình tĩnh, chủ động và khéo léo ứng xử trong quan hệ với các nước, tạo môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ ba, cần sớm định hình và tích cực triển khai một chiến lược ngoại giao toàn diện, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam hiện đại theo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thứ tư, chú trọng, tăng cường và nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu dự báo chiến lược, nghiên cứu vận dụng sáng tạo phương pháp luận thế giới quan Hồ Chí Minh về đánh giá tình hình thế giới, khu vực.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Bộ Ngoại giao

Thứ năm, để thực hiện tốt "ngoại giao toàn diện", cần xây dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ đối ngoại vững về bản lĩnh, lập trường chính trị, mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi nhiều ngoại ngữ, có phong cách ngoại giao phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, ở một "Bộ Cộng sản" (theo cách nói của Lenin và Bác Hồ) như Bộ Ngoại giao, tuyệt đối không được tách rời công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết và đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ.

Ôn lại những chặng đường lịch sử hào hùng của ngành Ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, 65 năm xây dựng và trưởng thành của ngành đã để lại nhiều bài học lớn vô cùng quí báu.

Tổng kết những thành tựu của ngành Ngoại giao càng khẳng định yếu tố quyết định dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như sự lớn mạnh của ngành Ngoại giao chính là sự lãnh đạo sáng suốt, sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Đảng, nhà nước qua các thời kỳ.

Phó Thủ tướng khẳng định, ôn lại lịch sử phát triển của ngành cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay.

Trong Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ Ngoại giao vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc./.