“Nhà nước kỳ dị” và thảm họa diệt chủng kinh hoàng

Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, Khơ-me Đỏ lật đổ chính quyền Lon Nol vào ngày 17/4/1975, tiến hành xây dựng “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia”.

Ngày 20/5/1975, Thường vụ Trung ương Đảng do Pol Pot chủ trì họp và nuôi tham vọng xây dựng xã hội mới ở Campuchia. Đó là một “nhà nước kỳ dị”: không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo…

Tham vọng của Pol Pot gây ra thảm cảnh khủng khiếp trên đất nước Campuchia. Người dân Campuchia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố và các khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt.

ba_me_campuchia_iyaj.jpg
Bà mẹ Campuchia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam.
Trong các công trường lao động khổ sai ở các vùng nông thôn chẳng khác mấy những nhà tù khổng lồ. Người dân bị xử tử bất cứ lúc nào nếu bị nghi là phản động hay gián điệp. Nhiều hình thức tra tấn cực hình cũng được áp dụng trong khi rất nhiều người chết vì không có thuốc men chạy chữa khi ốm đau… Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày (từ 1975 -1978), chế độ Khmer Đỏ đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội.

Còn đối với Việt Nam, Khmer Đỏ cũng gây ra những tội ác không thể dung tha. Chúng thực hiện chính sách thù địch, xuyên tạc lịch sử, huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây - Nam của Việt Nam, tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ơn tái sinh

Tháng 6/2017, giữa những ngày chính hạ nắng gắt, đứng trên dải đất biên giới Lộc Ninh, Bình Phước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhớ lại cách đó 40 năm, cũng vào tháng 6, chàng sĩ quan trẻ mới 25 tuổi đời “chạy sang” Việt Nam để tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng. “Tôi tới đây để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam để cứu đất nước khỏi nạn diệt chủng” - chàng trai ấy chẳng ngại ngần khẩn cầu.

Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết trước sự nguy vong hiển hiện, đồng thời cũng là để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc. Xương máu, sự hy sinh của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia đã không uổng phí khi Cách mạng Campuchia thắng lợi, chế độ diệt chủng bị lật đổ vào ngày 7/1/1979, mở ra thời kỳ mới cho đất nước, nhân dân Campuchia.

4 thập kỷ trôi qua, bằng nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân Campuchia cùng sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có hàng nghìn cán bộ chuyên gia và hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục sát cánh cùng nhau thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc. Campuchia giờ đây được quốc tế nhìn nhận là một đất nước hòa bình, ổn định, an ninh vững chắc, đề cao dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và kinh tế phát triển mạnh.

Người dân đất nước Chùa Tháp đang tận hưởng những mùa xuân yên bình, phát triển hôm nay, vẫn không quên sự giúp đỡ chí tình, sự hy sinh không thể kể hết bằng lời của đất nước Việt Nam láng giềng.

Sự biết ơn ấy cũng đã được người con tiêu biểu của đất nước Campuchia - Thủ tướng Hun Sen nhắc đi nhắc lại. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 2/1/2012, ông đã không nén nổi cảm xúc: “Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam! Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng.

Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot trưa 7/1/1979. (Ảnh: TLTT)
Hơn một năm sau, vào cuối tháng 12/2013, khi thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen tiếp tục khẳng định: “Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã hy sinh hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất lớn khi giúp đỡ Campuchia... Điều này chẳng thể nào quên được”.

Tháng 6/2017 tới Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng, cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, người đứng đầu chính phủ Campuchia lại một lần nữa bày tỏ: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay. Nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh. Dứt khoát là thế”.

Nắm chặt tay nhau, song hành tới tương lai

Nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai. Quá khứ sâu nặng ân tình là tài sản vô giá cũng là nền tảng vững chắc để cả hai đất nước bên dòng Mekong nguyện cùng nhau gìn giữ và siết chặt tay nhau, đoàn kết, hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và phát triển.

“Nhắc lại những lúc khó khăn, tôi vẫn khẳng định với các đồng chí, dù thế giới có chuyển biến, tình hình có chuyển biến, ASEAN đã có 10 nước nhưng tình đoàn kết Việt Nam và Campuchia vẫn tiếp tục. Không có ngày hôm qua thì không có ngày hôm nay. Không có ngày hôm nay thì không có ngày mai. Khách quan lịch sử như vậy” - Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng quan điểm: “Vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau, đó là một chân lý từ thực tiễn lịch sử của hai nước”, “Việt Nam mãi mãi là người bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một với đất nước và nhân dân Campuchia” và bày tỏ niềm mong mỏi: “Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững giữa Việt Nam và Campuchia mãi mãi như dòng Mekong nối liền hai nước”.

Năm 2019 này là năm thứ 52 hai nước Việt Nam - Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao (1967-2019), cũng là tròn 4 thập kỷ “bộ đội Nhà Phật” Việt Nam xông pha cùng những người bạn láng giềng đánh đổ chế độ diệt chủng tàn bạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói mối quan hệ đoàn kết Việt Nam - Campuchia là đoàn kết thật lòng, đoàn kết bằng hành động, không phải đoàn kết bằng miệng. Người Việt Nam cũng có câu: Làm ơn há để trông người trả ơn? Với biết bao ân tình đã có, có lẽ những người dân xứ Chùa Tháp cũng sẽ chung niềm mong mỏi như hàng triệu triệu người dân xứ Việt, rằng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam - Campuchia sẽ mãi mãi tràn đầy như dòng Mekong nối 2 nước.

Ngày nay, mặc dù thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, quan hệ giữa hai nước có bước phát triển mới nhưng bản chất và giá trị của mối quan hệ hai nước, hai dân tộc không thay đổi, và sẽ không bao giờ thay đổi. Việt Nam - Campuchia sẽ cùng nhau dệt nên những trang sử mới yên bình và phát triển, để xứng đáng với sự hy sinh, máu xương bao người đã đổ xuống cách đây 4 thập kỷ./.