Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký văn bản số 6572 /BGTVT-về việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, đề nghị xem xét thẩm tra, cung cấp thông tin công khai về độ chính xác của học vị tiến sĩ hàng không của ông Trần Đình Bá.
Câu chuyện này xảy ra sau khi ông Bá cho rằng, phối cảnh của sân bay Long Thành copy phối cảnh sân bay Chek Lap Kok(Hongkong).
Dư luận bất ngờ và bất bình trước sự “chệch hướng” của Bộ GTVT, thay vì chỉ tập trung vào tiếp thu, trao đổi lại ý kiến phản biện của ông Bá, công văn này lại có thêm ý đề nghị xác minh học hàm, học vị của ông này. Chiều muộn ngày 31/5, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh chính thức gửi thư xin lỗi ông Trần Đình Bá.
Lý do được ông Thanh đưa ra trong lá thư này là: “Vì áp lực công việc, vì phản ứng thiếu kiềm chế khi nhất thời cảm thấy cơ quan mình, bản thân mình bị tổn thương trước những thông tin không chính xác của dư luận, tôi đã hành động một cách vội vã”.
Có lỗi thì xin lỗi. Đó là cách cư xử thông thường trong cuộc sống. Nhưng việc có lỗi và xin lỗi, đặc biệt ở những người được giao trọng trách, không phải là chuyện dễ gặp ở nước mình. Bằng chứng chẳng đâu xa, Dự án đường sắt trên cao Hà Nội bị nhà thầu Trung Quốc kéo dài, gây tai nạn chết người, đội vốn đến trên 300 triệu USD, nhưng từ đó đến nay chưa một ai đứng ra nhận lỗi và xin lỗi cho đúng mức... Trong lúc người dân vẫn đang chờ đợi một lời xin lỗi thì đã xảy ra liên tiếp các lỗi khác, gần đây nhất là vụ rơi thanh sắt nặng gần tấn xuống đường và tai nạn sập cần cẩu. Lỗi chồng lỗi đấy!
Trong câu chuyện ở Bộ GTVT, ông Thanh đã thiếu kiềm chế, vội vã trong việc tư vấn lãnh đạo Bộ ký công văn truy bằng tiến sĩ của ông Bá thì những người chịu trách nhiệm cao hơn ông Thanh cũng “nóng tính, thiếu kiềm chế” hơn nữa sao? Trong chuyện này, ông Lại Xuân Thanh chỉ là người tham vấn chứ không phải là người cuối cùng đưa ra quyết định. Lãnh đạo Bộ khi ký vào văn bản này phải chịu trách nhiệm nếu nó không ổn, chứ không phải là người tham mưu nữa.
Lời xin lỗi đã được phát đi với tư cách cá nhân, và được đánh giá là không xứng tầm. Vì công văn phát đi với tư cách là của Bộ, nhưng ông Thanh lại đứng ra nhận trách nhiệm là việc “của mình”, của cơ quan mình.Nhận lỗi nhưng phải đúng lỗi của mình, không thể lại một lần nữa nóng vội nhận cả lỗi của người khác.
Dư luận cũng đánh giá cao việc nhận lỗi và xin lỗi của ông Lại Xuân Thanh. Bởi thực tế, nhiều vụ việc cứ qui lỗi, trách nhiệm cho tập thể thì cuối cùng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả. Nhưng không phải trong lúc "nước sôi lửa bỏng" cứ có một người đứng ra nhận lỗi là xoa dịu được tất cả dư luận. Dư luận xã hội không đòi hỏi bất kỳ ai phải nhận quá phần của mình, nhất là khi chúng ta làm việc có kỷ luật, có tổ chức và phân công trách nhiệm rõ ràng./.