Không phải ngẫu nhiên mà Hãng hàng không nọ bị đổi và đặt tên thành “Sorry Airlines” và trở thành tâm điểm bàn tán của chương trình “Táo quân” năm 2010 và nóng trên diễn đàn Quốc hội. Ai phải di chuyển nhiều bằng đường hàng không nhiều mới thấy “danh hiệu” ấy quả là không quá khi mà mỗi lần có mặt tại sân bay giọng cô gái trong veo vang lên: “…xin lỗi quý khách vì sự chậm trễ này” trong khi bạn còn ít phút vội vã chạy từ nhà hết tốc lực ra sân bay cho kịp giờ đã định. Với danh hiệu này, thậm chí có tờ báo còn nói đó là “cơn ác mộng”.

Cũng như lời cảm ơn, “xin lỗi” là từ được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống đời thường cũng như trong công việc. Cảm ơn dễ được mọi người sử dụng hơn, dễ chấp nhận hơn…nói chung là vui vẻ. Nhưng xin lỗi thì khác, chẳng ai muốn nói và cũng chẳng ai mong chờ được nghe câu xin lỗi một cách chủ động cả, có chăng là sự miễn cưỡng, ngoài mong đợi. Vì, lời xin lỗi được nói ra đồng nghĩa đã có một sự mất mát, tổn thương nhất định (về vật chất và tinh thần) nào đó.

vien_nhi_akcw.jpg
Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh lớn - nguồn: VTC)

Bạn đã từng chứng kiến đứa trẻ lên 2, nói chưa sõi và người lớn buộc chúng nói lời xin lỗi vì làm sai điều người lớn đã dạy bảo. Đứa trẻ khi bị “ép” nói câu xin lỗi, phần lớn chúng không tự động nói ngay, mà quan sát xung quanh, gượng gạo, rồi cúi gằm mặt, mặt tỏ vẻ sợ sệt…Tôi chẳng phải chuyên gia tâm lý nhưng nôm na hiểu rằng: Chúng cảm thấy mình bị coi là thấp kém, là không tốt, là xấu, là bị chạm vào “lòng tự trọng” hay đơn giản là cảm giác….buồn.

Với lời xin lỗi của trẻ, nhất là trẻ nhỏ chẳng ai không nhanh chóng hạ giận, bỏ qua sự việc vì trông chúng thật tội và đáng yêu. Việc trẻ chần chừ nói câu xin lỗi có vẻ như đó là bản năng! Vậy nên, với người đã trưởng thành để nói lời xin lỗi sẽ khó hơn rất nhiều và càng khó hơn với một chính khách, quan chức hay người thực thi pháp luật nhà nước và người của công chúng.

Họ phải đắn đo, vì xin lỗi lúc này đồng nghĩa với sự thừa nhận hành vi sai trái của mình trước đó đi ngược lại pháp luật và chuẩn mực ứng xử của số đông và điều đó dẫn đến hệ quả: Công việc anh, chị ta đang làm, lương anh, chị ấy đang hưởng, thậm chí tổ chức (doanh nghiệp, công ty...) anh chị ta đang làm….cũng ít nhiều bị tác động tiêu cực theo. Cho nên, mới có chuyện: Dũng cảm nhận lỗi và dũng cảm nói lời xin lỗi.

Thực ra, lời xin lỗi cũng như câu cảm ơn sẽ có giá trị biểu cảm lớn hơn khi phù hợp với thái độ của người nói, ít nhất là trên khuôn mặt vì ai đong đếm được suy nghĩ của người khác. Không ai chấp nhận câu xin lỗi với một khuôn mặt nhơn nhơn, chẳng có biểu hiện gì ăn năn, hối cải hay nói xin lỗi mà mặt tươi như hoa cả. Xin lỗi cũng như cảm ơn có tác động rất tích cực đến cách ứng xử của mọi người với nhau. Xin lỗi sẽ làm tan biến hoặc bớt căng thẳng giữa người với nhau, thậm chí còn làm tan sự hiềm khích, rạn nứt trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc.

Minh chứng: Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi khi đến thăm Hàn Quốc đã nói “Tôi thành thật xin lỗi về những đau thương mất mát mà nước Nhật đã gây ra cho nhân dân trên bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ chủ nghĩa thực dân. Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không lặp lại đau thương đã xảy ra trong quá khứ…”; Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng xin lỗi sau khi có va chạm với một nữ nghị sỹ đối lập, trong một cuộc tranh luận tại Hạ viện, khiến bà này bị đau và không thể tham gia bỏ phiếu; Tổng thống Nga Putin xin lỗi báo Đức trong vụ Hồ sơ Panama; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã viết thư xin lỗi Tổng thống Nga Putin về cái chết của phi công Nga tại biên giới Syria….và sau tất cả những lời xin lỗi này tình hình đã được cải thiện rất nhiều.

Gần đây, cụm từ: “Văn hóa xin lỗi” được sử dụng nhiều hơn, không tin bạn cứ tra Google thì biết, tôi đếm sơ sơ có đến gần 700.000 kết quả bằng tiếng Việt, chưa nói nó còn xuất hiện ở nhiều ấn bản dạng khác nữa. Như trên đã nói, lời xin lỗi của trẻ em, của người dân thường đã khó, nhưng đối với các chính khách và người thực thi, người bảo vệ pháp luật nó còn gắn với sự thừa nhận lỗi và tính chịu trách nhiệm trong đó.

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã nói: "Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành…”. Sau sự cố “lỡ lời”, vì nói “không rõ nghĩa” trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn", khiến dư luận bức xúc, Ông đã phải gửi lời xin lỗi tới nhân dân.

Và sự cố cá chết ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, sau bao nhiêu bất bình của người dân, ngay sau khi các cơ quan có kết luận về nguyên nhân gây cá chết, ngày 29/6, ông Trần Nguyên Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng ban lãnh đạo Formosa đã nói lời xin lỗi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. “Công ty chúng tôi xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Công ty chúng tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường trong thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, việc làm của người dân và môi trường biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam”.

Ban lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam

Mới đây nhất là vụ việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương ngăn chặn không cho xe cấp cứu chở bệnh nhi đang hấp hối, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc đơn vị này cho biết, ông rất tiếc khi để xảy ra sự cố gây xôn xao, bất bình trong dư luận những ngày qua. Với vai trò quản lý, bệnh viện đã không làm tốt vai trò giám sát lực lượng bảo vệ. "Qua sự việc này, tôi thay mặt bệnh viện xin gửi lời xin lỗi tới toàn thể nhân dân khi để một việc không đáng có xảy ra".

Những xin lỗi như vậy đã phần nào giúp xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, người dân mong chờ việc xử lý trách nhiệm và nhất là các giải pháp khắc phục nhiều hơn là lời xin lỗi suông.

Pháp luật về bồi thường trách nhiệm của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, xin lỗi cũng đã được luật pháp hóa. Theo đó, pháp luật quy định người đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc xin lỗi người bị thiệt hại và địa điểm tiến hành việc xin lỗi là nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc của người bị thiệt hại. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thông báo thời gian, địa điểm tiến hành việc xin lỗi cho cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú và tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên để các cơ quan, tổ chức này cử người đại diện tham dự. Với quy định này, hai vụ án oan lớn trong lịch sử tố tụng Việt Nam giai đoạn hiện đại là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén đã được các cơ quan tố tụng công khai xin lỗi.

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta chẳng ai có thể hoàn hảo đến mức không có sai sót nào với những người xung quanh. Nhưng mong rằng, chúng ta sẽ ít phải nghe những lời xin lỗi và cũng mong rằng đừng mắc “nợ” những lời xin lỗi. Hãy nói lời xin lỗi nhanh nhất có thể và gắng tìm cách để khắc phục những sai sót để lời xin lỗi đó hàm nghĩa đầy đủ hơn và không phải lặp lại lời xin lỗi với chung một lỗi lầm./.