Sự việc đau lòng xảy ra ở trường Nguyễn Khuyến khiến ai cũng đau lòng, xót xa và những người có con đang đi học thì thật sự lo lắng. Bởi trong bối cảnh thi cử như hiện nay, nếu con không học thì không biết sẽ vượt qua các kỳ thi liên tục đổi mới như thế nào.

Lời thầy Hiệu trưởng trường Nguyễn Khuyến nói về sự việc đáng tiếc này có nhắc đến nguyên nhân khiến các em áp lực xuất phát từ nhiều phía trong đó có mong muốn của phụ huynh, muốn con có nề nếp và kết quả học tập tốt trong hoàn cảnh thi cử hiện nay. Còn phía nhà trường để đạt được điều này thì khối lượng kiến thức cũng phải nhiều hơn.

truong_nguyen_khuyen_ygcp.jpg

Sau nhiều năm cải cách, ngành giáo dục luôn hướng tới mục tiêu giảm tải học hành, thi cử cho học sinh nhưng những gì đã và đang diễn ra đều đi ngược với mục tiêu này. Áp lực điểm số, thi cử đang đè nặng lên nhiều học sinh và phụ huynh. “Bệnh thành tích” trong ngành giáo dục đang thực sự là hòn đá tảng đè nặng lên các gia đình có con đi học và cả những người thầy.

Để chạy trốn áp lực học hành, nhiều gia đình đã chuyển con từ trường công ra trường tư thục, trường ngoài công lập. Nhiều ngôi trường với những triết lý giáo dục hiện đại, chú trọng đến việc giáo dục các kỹ năng cho trẻ được cha mẹ kỳ vọng con mình sau này sẽ trở thành người có ích. Tuy nhiên, cách đào tạo khác nhau nhưng thi cử vẫn chung đề, chung cách thức với các trường công lập. Vì thế, dù cho con học một chương trình mới nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con học thêm các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ... Bởi khi học ở trường ngoài công lập, cha mẹ lo lắng con em mình đang “học giả thi thật”.

Học hành, thi cử nặng nề là thế nhưng kỹ năng mềm, những kiến thức cơ bản phục vụ cuộc sống của nhiều em gần như không có. Trong điều kiện công nghệ phát triển, thông tin đa chiều, đan xen tốt – xấu như hiện nay, các em gần như không có kỹ năng để tiếp nhận, xử lý các thông tin. Vì đâu mà hơi có chút vướng mắc, bất ưng trong cuộc sống là lập tức các em nghĩ tới tự tử, viết thư tuyệt mệnh. Chúng ta đang quên hoặc đang bỏ trống một mảng kiến thức vô cùng quan trọng, đó là kỹ năng sống.

Ngày nay, không khó để tìm một cháu học sinh học giỏi nhất nhì trường, lớp nhưng nhìn thấy người lớn không biết chào, thấy em nhỏ ngã không biết nâng, quần áo bẩn không biết giặt, vệ sinh cá nhân cũng phải chỉ bảo từng ly từng tí một…

Xin những người làm cha mẹ hãy một lần đặt mình vào vị trí của con. Nếu chỉ đủ sức nâng 10kg mà ai đó bắt mang 20kg thì có làm được không?

Giáo dục, ngoài việc dạy cho các em kiến thức thì cũng phải dạy các em cách làm người. Nếu ở trường thầy cô không có điều kiện dạy các em thì việc đó có cha mẹ các em hỗ trợ lúc ở nhà. Thế nhưng, vì áp lực thi cử học hành, về nhà cha mẹ, ông bà sẵn sàng làm tất cả mọi việc để con, cháu mình có thời gian học. Học, học và học. Học thật nhiều để còn thi. Nhìn thấy con nhà khác học mà con mình không học thì sốt ruột, có khi lại đánh mắng con và lại đặt những mục tiêu vượt sức con mình. 

Cải cách giáo dục có được gọi là thành công không khi mà cha mẹ, học sinh nào nhắc đến thi cử thì chỉ thấy run sợ? Nếu giáo dục cứ lao theo thành tích mà quên đi việc giúp học sinh có các kiến thức nền tảng trong cuộc sống thì chúng ta rất dễ tạo ra những robot vô cảm nhưng khi gặp áp lực, vấp ngã trong cuộc sống lại dễ sụp đổ, chán nản./.