1.Tôi có dịp sang Trung Quốc và khi đi ăn ở các nhà hàng, để ý có những nhóm 3-5 người đứng phía ngoài và nhiều vị khách khi ăn xong lại đi về phía họ như trao đổi chuyện gì. Thấy tôi có vẻ tò mò, người bạn đi cùng là Việt kiều ở Trung Quốc giải thích, nhóm người đó là những người lái xe thuê. Thực khách đã trót uống rượu bia trong những cuộc nhậu như thế này thì khi đi về đều phải thuê lái xe chứ không tự lái. Chuyện này là rất bình thường ở Trung Quốc.

Trên các bàn ăn, ở hộp tăm hay một số vật dụng khác khách hay dùng, thường có số điện thoại liên hệ với nơi cho thuê tài xế. Anh bạn Việt kiều chia sẻ, ở Trung Quốc nếu lái xe ra đường mà có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép thì bị phạt rất nặng, thậm chí có thể ngồi tù. Việc này được thực hiện rất nghiêm, không có chuyện “quen biết” hay “xin xỏ”, đã có một số trường hợp quan chức cấp huyện, tỉnh cũng bị tạm giam khi kiểm tra thấy có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi tham gia giao thông.

tai_nan_vpsx.jpg
Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An đã cướp đi sinh mạng của 4 người và làm bị thương hàng chục người (ảnh: Vinh Quang)

Chẳng hạn, tài xế khi bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml khí thở trở lên sẽ bị coi là lái xe trong tình trạng say rượu, bị tam giam đến 15 ngày, đồng thời bị tước bằng lái xe. Sau 5 năm, họ mới được cấp bằng lái xe trở lại. Còn trường hợp tài xế gây tai nạn có thể bị xử lý hình sự và cấm lái xe vĩnh viễn. Vì thế, hiếm có trường hợp lái xe uống rượu bia tham gia giao thông và việc thuê lái xe đã trở thành dịch vụ phổ biến ở Trung Quốc.

Ngay khi bắt đầu bữa tiệc với chúng tôi, anh bạn Việt kiều thẳng thắn: “Hôm nay tiếp khách quý, nên tôi sẽ uống say cùng các bạn. Và tôi cũng xin phép trước, vợ tôi sẽ không uống để cô ấy còn lái xe đưa tôi về”.

Vì thế, nên dù rất yêu quý nhau và trong bữa ăn, người vợ của anh bạn Việt kiều cũng nâng cốc lên chúc mừng mọi người, nhưng tuyệt nhiên không đụng đến một giọt rượu bia nào. Và dĩ nhiên, cũng không ai ép cô uống.

2. Ngay trong ngày đầu năm mới, một nữ tài xế say rượu ở Lâm Đồng đã gây tai nạn nghiêm trọng làm chết 3 người, 4 người khác bị thương nặng. Vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc nữ tài xế này uống rượu vượt quá nồng độ cồn cho phép.

Sau đó chỉ 1 ngày, vụ tai nạn thảm khốc ở Long An lại cướp đi sinh mạng của 4 người và làm hàng chục người bị thương. Qua kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định tài xế có sử dụng rượu bia trước khi lái xe gây tai nạn. Thời điểm kiểm tra nồng độ sau vụ tai nạn nhiều giờ, tài xế này vẫn còn nồng độ cồn trong máu...

Đây không phải lần đầu những cái chết oan uổng lại bắt nguồn từ những con ma men như vậy. Trước khi xảy ra những vụ tai nạn đau lòng này, đã có rất nhiều vụ tai nạn kinh hoàng do người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia gây ra.

Theo con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 43%. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, 65-70% các vụ tai nạn giao thông có vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Những cái chết oan uổng, đau lòng từ những vụ tai nạn như vừa qua thực sự làm dư luận hết sức bàng hoàng, bức xúc và phẫn nộ. Thật phi lý, khi những người tham gia giao thông hoàn toàn chủ động được cuộc sống và công việc, nhưng lại “bị động” trước những kẻ ngồi sau vô lăng như những vụ việc vừa qua. Nhiều cái chết oan uổng, tức tưởi, nhiều gia đình mất đi trụ cột, nhiều đứa trẻ vô tội mất cha, mất mẹ, mất người thân và còn hàng trăm ngàn hệ lụy đau lòng khác vẫn còn dai dẳng mãi về sau…

3. Chúng ta đã nói rất nhiều và có rất nhiều quy định được đưa ra để xử lý những sự việc như thế này, nhưng tại sao hàng ngày, hàng giờ mọi người vẫn phải chứng kiến những vụ tai nạn thắt lòng đến như vậy? Vậy chúng ta chưa đủ chế tài hay do độ ngũ những người thực thi chế tài đó chưa nghiêm?

Theo thống kê, chỉ riêng ở một địa phương như TP HCM, từ đầu năm đến nay, Phòng quản lý sát hạch Sở GTVT TPHCM đã nhận được 720 hồ sơ giấy phép lái xe do các cơ quan gửi đến phòng để xác minh thì phát hiện có 282 giấy phép không quản lý, chiếm 25% trong tổng số 720 giấy phép lái xe đã gửi đến. Qua xác minh, đã phát hiện tình trạng giấy phép lái xe hạng A1 làm giả rất nhiều, chiếm 146/282 GPLX, hạng B2 có 60 bằng lái giả, bằng lái hạng C chiếm 29 GPLX giả, hạng D chiếm 20 GPLX… 

"Bằng giả” đang là vấn nạn của nhiều ngành, nhiều cấp. Đã có rất nhiều hệ lụy đau lòng được tạo từ chủ nhân của những tấm bằng giả vì họ không đủ năng lực, trình độ. Nhưng bằng giả trong lĩnh vực giao thông vận tải, không chỉ thiệt hại có vậy, mà nó còn gây ra những hậu quả khôn lường.

Những “lái xe giả” lưu thông trên đường đồng nghĩa với sinh mạng của rất nhiều tham gia giao thông đang nằm trong tay họ. Vì thế, khi chưa dẹp được vấn nạn này, thì khó có thể nói tới một một trường giao thông an toàn, đúng luật.

Chúng ta đã có luật về xử lý vi phạm giao thông, trong đó có quy định về việc xử phạt nồng độ cồn, nhưng việc xử phạt đã đúng với những gì thực tế đang diễn ra? Hay chỉ khi chiếc xe đó vi phạm hoặc gây ra tai nạn thì mới phát hiện trong máu của lái xe có nồng độ cồn?

Lâu nay, chúng ta đang hành động quyết liệt việc xử lý vi phạm, không có “vùng cấm” bất kể ngành nào, người nào, nhưng dường như vẫn còn một số “vùng cấm” khi xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông.

Khi vi phạm, phản xạ đầu tiên của nhiều người tham giam giao thông là “gọi điện cho người thân”. Nếu “người thân” là "ông nọ, bà kia" thật, thì nhiều trường hợp vi phạm sẽ được bỏ qua một cách dễ dàng.

Ngoài việc vẫn còn “vùng cấm” khi xử lý vi phạm, mức phạt hiện nay theo nhiều người vẫn chưa đủ sức răn đe và cảnh tỉnh. Đôi khi bị bắt đúng lỗi, nhưng người vi phạm vẫn có thể “mặc cả” để được ghi lỗi nhẹ hơn, thậm chí “xin xỏ” để được bỏ qua.

Chính một số lái xe taxi cũng từng chia sẻ: “Nếu làm thật nghiêm, thật công bằng và ai cũng như ai, thì chắc chắn cánh lái xe taxi chúng tôi cũng phải chấp hành nghiêm. Cứ phạt nặng, đánh thẳng vào “nồi cơm” của người vi phạm thì làm gì có ai dám vi phạm”.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa, từ việc không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm đến xem xét lại các chế tài xử phạt cũng như đội ngũ những người thực thi nhiệm vụ. 

Có như thế mới phần nào hạn chế được những cái chết oan ức./.