1.Ngày nay nhịp sống hiện đại sao mà hối hả, ai cũng sẽ chọn cho mình con đường nhanh nhất để đi. Nhanh đến độ…chơi vơi!

Có bao giờ bạn nghĩ sẽ đổi một tấm vé máy bay của một kỳ nghỉ lấy một chuyến vào Nam ra Bắc bằng ôtô trên cung đường Hồ Chí Minh với những điểm dừng ý nghĩa?

Ở đó, bạn cũng như tôi sẽ có dịp nhìn tận mắt những phiến đá trên con đường giao liên lõm xuống vì triệu triệu bước chân, để thực sự hiểu thế nào là câu “bước chân đi gót mòn sỏi đá”. Rồi bạn cũng như tôi, sẽ cảm thấy choáng  ngợp và nhỏ bé trước bạt ngàn bia mộ của những nghĩa trang liệt sỹ ở Trường Sơn.

Nếu tha thẩn đi thắp hương cho các liệt sỹ, ai rồi cũng sẽ ngậm ngùi phát hiện ra hai điều: Một là hầu hết các liệt sỹ đều rất trẻ, phần lớn chỉ 18-20 tuổi. Điều đó nói rằng họ đều là lính mới, chưa kịp làm quen với chiến trường đã hy sinh. Điều thứ hai còn đau xót hơn là có hàng chục, thậm chí mấy chục liệt sỹ cùng một thành phố, thậm chí một khu phố; hàng chục liệt sỹ cùng một trung đội, một đại đội hy sinh cùng một ngày giờ - họ đã cùng hy sinh trong một trận đánh… Hương vờn quanh những gương mặt thanh xuân mà chắc phần lớn trong số đó chưa hề biết đến nụ hôn của người yêu…

ts%209%20copy.jpg
Hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn

Có lần đến Nghĩa trang Trường Sơn, tôi nghe có tiếng đàn ắc-coóc-đê-ông và tiếng người hát. Lạ thật, sao lại có tiếng đàn, tiếng hát giữa nghĩa trang? Lần theo tiếng hát, tôi đã vô tình được chứng kiến một nhóm các cựu chiến binh đang vừa đàn vừa hát trước mộ của đồng đội, trong đó có mộ của Chính ủy Đặng Tính, người cán bộ cấp cao đầu tiên của bộ đội Trường Sơn hy sinh.

Đó là hôm Binh đoàn Trường Sơn tổ chức Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại ở tuyến đường này. Hàng ngàn cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây thăm lại chiến trường xưa. Những cái bắt tay, những cái ôm chầm, xiết chặt, nói nói cười cười, khóc đấy cười đấy. Các anh, các chị vừa hát bài “Tình em gửi lại con đường”, một bài hát mà thời xưa TNXP nào cũng thuộc. Họ vừa hát, vừa khóc, vừa gọi tên đồng đội, có chị nấc lên, thủ trưởng ơi, thủ trưởng ơi, chúng em về thăm thủ trưởng đây. Những câu hát thổn thức “Dốc Miếu, Gio Linh đấy trăm mến ngàn thương… tình em gửi trọn con đường...”, những giọt nước mắt lăn dài. Tôi nhìn các anh chị mà không biết mình cũng đã khóc từ lúc nào.

2. Hà Nội – TP.HCM hôm nay chỉ cách nhau chưa đến 2 giờ bay nhưng những người lính  Trường Sơn năm xưa đã phải mất đến 16 năm ròng rã, đầy gian khổ hy sinh mới mở được con đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu tích của cuộc chiến vẫn còn hiện diện trên những cung đường, trong miền ký ức xa thẳm của những người cựu binh.

Xe chúng tôi bon bon trên con đường 20 Quyết thắng bê tông phẳng lỳ, hai bên đường là những hàng cây xanh mướt mát. Vậy mà cách đây nửa thế kỷ nó là một trong 4 tuyến đường ngang ác liệt của đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Gọi là đường 20 vì những TNXP tham gia mở con đường này phần lớn đều tuổi đôi mươi. Nghe các cựu binh kể lại ước  tính trung bình mỗi mét đường làm xong là một TNXP đã ngã xuống… Khi xe qua ngầm Trà Ang, một trọng điểm rất ác liệt khi xưa một người lính già đã khe khẽ đọc bài thơ “Đêm đi vào lịch sử” của Đại tá Việt Phương, Nguyên Binh Trạm trưởng Binh trạm 12:

Ai đã biết đêm dài hơn thế kỷ?

Có những giờ như thể đứng không trôi!

Tổ quốc gởi lòng tin

Những con gái, con trai dũng sĩ

Ra trận

Vẫn hò ơi!... giọng hò quê mẹ

Chiếc mũ xanh, đôi dép cao su rất nhẹ

Không tiếng kèn đồng, chỉ tiếng hô khe khẽ

Mà chân toạc bao lần không nghỉ

đầu vỡ mẫy lần máu đổ vẫn xông lên

 - “Đường Quyết Thắng như dòng tim đỏ!”

 - “Thế giữ đường như hơi thở mẹ hiền!”

Mỗi tấc đất mỗi niềm gian khổ

Mỗi thước đường thấm đỏ vết chân đi…

16 năm núi rừng Trường Sơn (1959-1975) luôn bị cày xới bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn hóa chất độc của địch trút xuống, khiến hơn 2 vạn người con nước Việt hy sinh, hơn 3 vạn người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Thế nhưng, từ trong bom đạn khốc liệt, bộ đội Trường Sơn đã lập nên kỳ tích anh hùng từ con đường huyền thoại và góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vĩ đại đến như thế, ai có thể nói hết, viết hết. Nó vượt quá sức của những nhân chứng lịch sử.

3. Lần đi làm phim bên bờ sông Thạch Hãn phỏng vấn nhân chứng là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải có nhiệm vụ vận chuyển bộ đội qua sông để vào Thành Cổ trên sông Thạch Hãn những năm 1972.  Đứng bên dòng sông nay xanh trong, hiền hòa, nhớ lại một thời đau thương, không kìm được xúc động, phải trấn tĩnh khá lâu người cựu binh mới trả lời được…

Ông nghẹn ngào kể, hồi đó có những trận bộ đội hy sinh nhiều quá, thi thể trôi đặc cả dòng sông Thạch Hãn. Nước sông Thạch Hãn bây giờ xanh thế này nhưng hồi đó có những ngày nước sông đỏ ngầu, ngay tiểu đoàn vận tải của ông, có những trận cả thuyền cũng hy sinh hết...Đôi mắt vị Thiếu tướng bỗng đỏ hoe...Lúc ấy tôi mới chợt hiểu tại sao Lê Bá Dương, người dũng sỹ diệt Mỹ năm xưa đã xuất thần làm nên mấy câu thơ mà giờ đã thành bất tử:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi 20 thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”

Vừa rồi xem phim “Mùi cỏ cháy” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, thấy dòng sông đặc cứng xác người, những gương mặt trai trẻ khi ngã xuống chỉ kịp gọi “Mẹ ơi...”. Xem phim nhưng lại cứ hình dung những ngôi mộ ở nghĩa trang đường 9 năm nào, những tấm ảnh liệt sỹ trẻ trung, đôi mắt trong veo...Khi dòng chữ hiện lên màn hình “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/....nước mắt tôi giàn dụa, mà không chỉ tôi, hôm đó rất nhiều người xem cũng khóc...

Bất giác tôi lại nhớ đến đại tá Phạn Hữu Đại, nguyên chính ủy Binh trạm 32, đơn vị được lính Trường Sơn đặt tên là “Binh trạm vạn tấn”, nguyên Sư trưởng Sư đoàn vận tải cơ động 571 Anh hùng. Trong trường quay trò chuyện với tôi về một thời binh lửa, nhắc đến đèo cô Nhã, kỷ niệm đau thương về cái chết của cả một tiểu đội nữ TNXP trên đỉnh đèo trọng điểm Phulanhich năm xưa bất giác vị tướng già bật khóc nức nở như một đứa trẻ…

4. Vào những ngày tháng 5 lịch sử này, khi ngày kỷ 55 năm mở con đường huyền thoại đã cận kề, khi biển Đông dậy sóng, độc lập tự do, chủ quyền dân tộc bị đe dọa bởi kẻ thù đang rình rập, tôi lại cùng những người lính Trường Sơn trở về chiến trường xưa, tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. Ba hồi chuông vang lên giữa thinh không, rồi thanh âm như quanh quẩn giữa trời xanh mây trắng, giữa hoa phượng đỏ rực như những đốm lửa cuối rừng…

Tôi nghe thấy mấy người lính bảo nhau, chắc các bác, các anh, các chị thấy đồng đội lên thì mừng lắm đấy…

Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng của một chiều hè tháng 5 đỏ lửa phượng cháy ngút ngàn, 10 ngàn ngọn nến đã được những người lính Trường Sơn thắp lên trên 10 ngàn ngôi mộ lính để tỏ lòng tri ân.

Giữa nghĩa trang mênh mông, bóng những người lính đang lặng lẽ thắp hương và nến trên bia mộ đồng đội giờ chỉ còn như những chấm nhỏ giữa bạt ngàn mộ chí..

Đứng ở điểm cao nhất của Nghĩa trang nhìn hàng ngàn ngọn nến lung linh trong bóng đêm dần xuống , hình dung 10 ngàn linh hồn những người lính đang quanh quẩn đâu đây mà lòng chợt rưng rưng và mắt cay xè.

Đi ngang qua khu an táng các liệt sỹ hy sinh đầu tiên và những liệt sỹ chưa biết tên, tôi chợt giật bắn mình khi thấy thấp thoáng bóng người. Đó là một người lính già ngực đeo nhiều huy chương. Lại gần hỏi chuyện  tôi mới biết ông là Đại tá Nguyễn Gia Cam, nguyên là lính của sư đoàn 968. Ông bảo, ông có 10 người bạn hy sinh ở đây nhưng mới chỉ tìm được 6. Ông hy vọng lần này biết đâu sẽ tìm thêm được những người còn lại. Nói rồi ông lại dò dẫm lần theo từng mộ chí.

Lặng nhìn bóng vị đại tá già nhoà lẫn vào những ngọn nến chập chờn trước gió tự dưng chợt nghĩ giá như thay vì tổ chức đi du lịch, tham quan, nghỉ hè các gia đình, trường học hãy cố gắng một lần, chỉ cần một lần trong đời thôi, hãy  hành hương đến đây để hiểu giá trị của hòa bình, tự do là vô giá. Và họ cũng sẽ hiểu điều rất đơn giản mà không sách vở, trường lớp nào có thể truyền đạt thay được.

Hà Nội – TP HCM chỉ mất có hai giờ bay. Nhưng để có hai giờ bay ấy, phải mất 16 năm với bao hy sinh, mất mát và đau khổ.  Chiến tranh không phải trò đùa, vì thế hãy trân trọng, hãy nâng niu từng giây, từng phút của hòa bình./Trích đoạn phóng sự Trường Sơn do tác giả cùng nhóm phóng viên VOV thực hiện: