Nghe bút ký "Trường Sa giữa nghìn trùng sóng..."
1.Tàu HQ 996 hướng Trường Sa thẳng tiến. Mùa này biển lặng. Tàu đạt tốc độ tối đa. Nơi tôi đến có loài phong ba bền bỉ mọc xuyên qua san hô. Có  những người lính đảo dũng cảm, hào hoa. Mấy hôm lênh đênh, tôi chú ý tới một người đàn ông chừng 50 tuổi, da sạm, dáng thâm thấp, rắn rỏi. Hỏi ra thì mới biết nhiều người vẫn gọi vui ông là “Chúa đảo Trường Sa”. Ông Nguyễn Đức Thắng trước đã từng làm cán bộ huyện đảo Trường Sa trong nhiều năm, nhờ thế mà thông thạo toàn bộ các điểm đảo.Trường Sa có 2 xã là Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa với mô hình tổ chức hoạt động như trên đất liền tuy cán bộ không nhiều. Huyện đảo nhưng trụ sở đóng trên bờ, chủ tịch nắm tình hình thông qua điện thoại; chỉ đạo theo từng giai đoạn; sau đó đi kiểm tra, kết hợp những chuyến thăm, cung cấp lương thực, thực phẩm. Cứ thế, ông Thắng đảm nhiệm công việc của một chủ tịch huyện đảo với kinh nghiệm của người yêu biển.

truong-sa-1.jpg
Đảo An Bang là đảo nổi xuồng khó vào nhất trong số các đảo ở Trường Sa. Các anh lính trẻ phải "hò dô" kéo xuồng vào doi cát

Rời vùng quê biển Hải Hậu, Nam Định, năm 1988, ông Thắng gia nhập lực lượng hải quân và xung phong đi Trường Sa trong bối cảnh biển Đông đang rất căng thẳng. Từ đó đến nay, vì hoàn cảnh riêng, ông vẫn chưa đưa vợ và con trai vào sinh sống tại vùng 4 Cam Ranh như nhiều cán bộ khác. Giờ mỗi người mỗi nơi, vợ dạy học cấp 1 ở quê, con trai học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, hơn 20 năm rồi giấc mơ đoàn tụ vẫn chưa thành.

Câu chuyện nghẽn lại đôi dòng rồi lại tiếp tục sôi nổi khi ông Thắng hồ hởi kể về biển đảo. Ánh mắt sắc lẹm của người có thâm niên đi biển, quen tầm nhìn xa cắt ngang mặt sóng. Ông nhớ những ngày gian khó, khi chúng ta mới đưa bộ đội ra giữ đảo. Ngày đó xuồng cập đảo phải do chiến sỹ bơi kéo dây đưa vào cầu cảng. Ngày nay đảo đã được đầu tư hơn rất nhiều. Việc hỗ trợ, ủng hộ Trường Sa được cộng đồng xã hội hưởng ứng với nhiều phong trào, chương trình thiết thực.

Giờ thi thoảng ông vẫn nhận được điện thoại của các bạn trẻ hỏi thông tin về Trường Sa. "Phải để dân biết nhiều hơn về chủ quyền của chúng ta"- ông Thắng lý giải cho mỗi lần về quê lại tranh thủ nói chuyện với bà con lối xóm về tình hình biển đảo. Ông chứng kiến ở nhiều vùng biển, đã có thêm nhiều tàu đánh cá vươn khơi. Dân bám biển, cùng bộ đội canh giữ chủ quyền, dân báo tin cho hải quân, dân coi đồn đảo như nhà mình...

Con tàu trôi miết vào vùng sóng gió, giữa mênh mông trời nước không thấy đâu là bờ. Ai cũng phải tiếp cận mọi thứ không theo thói quen hàng ngày. Từ việc nghe hiệu lệnh báo thức, giờ ăn, giờ nhổ neo, rồi đến việc ăn theo kiểu lính mang tính tập thể cao... Những lời thăm hỏi sẻ chia thân mật kết nối các boong tàu, cabin, buồng ngủ. Những toan tính trong đời sống đôi khi làm người ta đánh mất những điều hết sức bình dị mà quý giá.

Có vùng người ta gọi đi biển là đi bạn, đi biển thì phải là bầu bạn, phải gắn kết, phải vì nhau. Biển bao la chứng kiến những mối liên kết khăng khít như cá với nước giữa quân và dân. Mùa sóng gió, dân thường vào đảo trú ẩn, hải quân liền đánh tín hiệu chỉ dẫn luồng cho tàu vào an toàn; hỗ trợ ngư dân  lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu; tổ chức khám chữa bệnh, cứu tàu dân khỏi bãi cạn... Trên đảo thường được bố trí một tổ y tế với 1 bác sỹ và 2 y sỹ thường xuyên khám chữa bệnh cho bộ đội và dân đi biển. Ngư dân thường bị tai nạn lao động, câu mực bị dị ứng, đau dạ dày, hội chứng vai gáy, tai nạn do lặn sâu, sức yếu, nguy cơ dẫn đến tử vong... Nhiều trường hợp bệnh nặng phải dùng trực thăng đưa vào đất liền; nhiều em bé đã ra đời ngoài đảo...

Thượng úy Nguyễn Văn Hoan, đảo Đá Tây A vẫn nhớ như in thời điểm năm 2006, tàu cá của dân bị bão đánh vào bãi cạn, các anh đã đưa dân lên đảo suốt 1 tuần chăm sóc qua cơn bão lớn. Hiện giờ ở vùng biển này, tàu đánh cá neo đậu đánh bắt hải sản đêm đêm đèn lung linh như thành phố trên biển. Thiếu úy Phạm Đức Nhiệm, quê Ninh Bình, đã 11 năm quân ngũ, tiếp nối nghề y của cha, giờ tiếp tục công việc của một y sỹ trên đảo. Anh đã từng cứu một thuyền viên tàu đánh bắt mực bị nhiễm khuẩn bàn tay thoát khỏi nguy cơ hoại tử... Việc hải quân tham gia giúp dân chính là cách để củng cố mối quan hệ với dân trên biển, tô đẹp thêm hình ảnh người lính đảo...

Một ngày trung tuần tháng Tư, Trường Sa tổ chức sinh nhật lần thứ hai cho một cháu bé sinh ở đảo. Cha mẹ em khi chọn đảo là quê hương thứ hai cũng chọn luôn nơi sinh cho một thế hệ mới của đảo. Sự sống đâm những nhánh cây xanh qua đá san hô, đón những dòng nước mát từ các giếng khoan hiếm hoi.

Chúng tôi mang những hạt giống rau ra đảo, mong một ngày lên xanh, ấp iu hương vị đất liền. Ở môi trường bão gió và hơi ẩm, cây ra lá dày, cứng cáp, dẻo dai, khoẻ khoắn hơn ở đất liền. Mùa mưa, các chiến sỹ phải che chắn rất kỹ lưỡng, tránh nước mặn ngấm vào lá gây úa, dùng nước ngọt rửa sạch từng chiếc lá. Ở đảo nước ngọt hiếm vô cùng. Những phuy nước tiết kiệm không có cho sự lãng phí. Kỷ luật trong sử dụng nước là bài học đầu tiên của những chàng lính măng tơ. Nước biển và hơi gió mặn cũng khiến cho hệ thống máy móc mau hỏng, làm cho rau chóng úa. Nước mưa hiếm hoi, những cơn mưa biển mùa mưa tháng 6 tháng 7 reo niềm vui xuống đảo. Phía sau những vườn rau xanh mướt, là những giọt nước mắt mặn chát như nước biển. Máu cũng đã thẫm vào trùng khơi ghi tên những người đàn ông biết nhường sự sống cho đồng đội...

Phía sau những vườn rau xanh mướt, là những giọt nước mắt mặn chát như nước biển. 

2. Trên tàu hải quân ra đảo, ai cũng ấn tượng với câu hiệu lệnh vào lúc 5 rưỡi sáng: "Đã hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu". Câu hiệu lệnh có sự lặp lại cho dễ nhớ, dễ đọc. Đó là quy định trong điều lệnh, hải quân thế giới cũng vậy. Ở các đảo tôi còn thấy nhiều khẩu hiệu rất vần, kiểu như “Súng không lau súng mau han gỉ/Người không rèn ý chí không cao”... Không phải treo khi nhà có khách mà nó được gắn thường xuyên ở các vị trí công tác, phân đội, trên đường đi. Các khẩu hiệu đúc kết từ thực tiễn để động viên tinh thần, nâng cao bản lĩnh chính trị. Người lính trẻ còn được cung cấp kiến thức về luật biển, chủ quyền...

Ở đảo chìm Thuyền Chài B, có một chàng trai trẻ giấu vẻ đỏm trai sau gương mặt rám nắng. Chàng hạ sỹ Phùng Xuân Minh, 20 tuổi, quê ở vùng thoát lũ Chương Mỹ. Nhà Minh làm ruộng, bố mẹ nghèo có ba anh em cậu là anh cả. Mọi người hỏi, trước khi đi bộ đội cậu làm gì, cậu không giấu giếm kể rằng, suốt ngày lông bông, theo chúng bạn đua đòi... Đi Trường Sa, cậu tìm thấy ý nghĩa của tuổi trẻ, thấy những đóng góp có ích của mình cho mọi người, thấy thương cha mẹ hơn... Sau này hết nghĩa vụ về quê, cậu hứa sẽ học nghề, tìm việc, giúp đỡ bố mẹ nuôi các em...

Trường Sa như một ngôi trường rèn luyện trong khắc nghiệt, ở đó có sự đoàn kết, tinh thần đồng đội, yêu thương, hướng thiện. Trường Sa sóng, Trường Sa gió dạy chúng ta học lại những bài học giản dị từ cuộc sống rằng không được yếu hèn, ích kỷ. Tôi nhẩm vội mấy câu thơ viết tặng cậu:

Trường Sa dạy tôi yêu màu cờ đỏ

Phấp phới bay trên đảo thắm mây trời

Dạy tôi yêu rặng phong ba ngập gió

Mọc bền gan qua khô khát ngàn đời.

Trường Sa dạy tôi yêu lớp sóng xa khơi

Vỗ điệp khúc rì rào qua năm tháng

Ngôi sao biếc hoàng hôn tia nắng hồng mỗi sáng

Yêu nhánh cây non yêu cục tác tiếng gà.

Trường Sa dạy tôi yêu bóng dáng quê nhà

Sợi khói bếp chiều tà khơi nỗi nhớ

Tiếng trẻ bi bô người thương bé nhỏ

Yêu mỗi ngày có mẹ để lớn khôn...

... Buổi chiều hôm đó, sóng ầm ào dữ dội như chực nuốt lấy con xuồng ra đảo. Phía xa xa An Bang hiện dần trong lớp sóng... Sóng cỡ này có lẽ chỉ khoảng cấp 4, cấp 5 nhưng cũng đủ chao nghiêng con tàu 2 nghìn tấn, huống hồ chiếc xuồng nhỏ. An Bang là đảo nổi khó cập xuồng nhất trong số các đảo Trường Sa. Đảo như một cây nấm san hô mọc lên từ lòng biển sâu. Hàng chục lính biển trẻ măng quần cộc áo phao rực một góc biển "hò dô" kéo xuồng vào bờ cát. Gương mặt sạm đen, những bắp tay cuồn cuộn như sắt như đồng, họ vây quanh xuồng tạo thành dải tường ngăn sóng dữ, bao bọc che chở con xuồng như chiếc nôi bên bờ sóng. Những chàng trai rắn rỏi kéo chúng tôi về phía yên bình.

Ở đây có hai mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Khi đổi gió, doi cát xoay dịch chuyển một vòng quanh đảo, nửa mùa bên này, nửa mùa bên kia, khi trở về vị trí cũ là tròn một năm. Nhiều lính thuỷ cứ nhìn doi cát trở về vị trí cũ là biết ngày mình được về đất liền, khỏi cần nhìn lịch. Với người lính, xa nhà là chuyện đã quá đỗi quen thuộc.

Đất nước mình là đất nước của những cuộc chia ly. Hòn Vọng Phu còn nguyên giá trị biểu tượng. Chia ly để ta mong nhiều hơn những sum vầy, đoàn tụ. Chia ly để ta hiểu hơn cái giá của hy sinh đổi lấy những ngày yên bình. Tôi có người bạn vong niên là phóng viên ảnh, anh đi Trường Sa những ngày khốc liệt 1988. Anh đi được 5 đảo: Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Côlin, Thuyền Chài, Phan Vinh.

Hồi đó, đảo còn nghèo, chả có tivi, đài, sách báo như bây giờ. Các đoàn ra thăm quà tinh thần là chính, đất liền cũng còn nghèo, đang vật lộn tìm đường đổi mới. Anh chụp được nhiều tấm hình lấy người lính làm hình ảnh trung tâm. Giờ đảo đã đẹp hơn, xanh và bớt khô khát hơn. Nhưng người lính vẫn vậy, phong ba, rắn rỏi mà hiền lành, bao dung.

Tôi thấy ai cũng muốn thu vào cảm nhận của mình sự mạnh mẽ nam tính của lính đảo, dáng hiên ngang lồng lộng biển khơi, mà sao khó chớp được thoáng suy tư người lính trẻ mỗi khi nghe thấy cơn ho của mẹ qua chiếc điện thoại; ánh mắt thoáng buồn trầm ngâm nhìn theo con sóng...

Ở đảo chìm Đá Tây, chúng tôi gặp Trung uý Mai Văn Liên, quê Nam Định. Liên, 36 tuổi, có vợ làm thợ may và cậu con trai 8 tuổi học ở quê. Đời lính dài, thời gian ở nhà chỉ tính bằng ngày. Anh vẫn thường phải gọi điện về nhà để dạy dỗ con. Khi chúng tôi đến, Liên đang căn dặn cậu quý tử qua chiếc điện thoại: "Con khỏe không, hôm nay được mấy điểm? 10 à, 10 béo hay 10 gày, chắc nhòm bài nên mới được 10 béo chứ gì. Làm bài, con nhớ cẩn thận viết ra nháp, đúng rồi mới viết ra vở; đi xe đạp cẩn thận kẻo ngã... nghe con". Ở đầu giường, Liên dán tấm ảnh cậu con trai khôi ngô, cháu Mai Hồng Quân, trong trang phục hải quân. Liên bảo, mỗi lần nhìn con, anh nguôi ngoai nỗi nhớ nhà luôn thường trực...

Rời Trường Sa Lớn, tôi đứng lặng trên boong tàu nhìn theo những cánh tay vẫy. Tôi khản giọng hát vang thay cho lời đưa tiễn. Đã có những giọt nước mắt. Cả một không gian ngập tràn tiếng gọi cất lên từ thẳm sâu mỗi người: "Trường Sa, Hoàng Sa không xa...".

Tôi mang theo hình ảnh cậu bé Hồng Quân mặc áo hải quân có thêu trước ngực dòng chữ "Kỷ niệm Trường Sa". Tôi tin là cậu đã hơn một lần tự hào kể với bạn bè về người cha của mình đang giữa mênh mông trùng sóng. Cả những lời dạy của cha nữa, vẫn từng ngày vượt sóng vượt gió neo về ngôi nhà của hai mẹ con. Tôi tin khi nhìn vào ánh mắt thật sáng của cậu./.