Chỉ vì “lũ thượng nguồn” mà đường ống dẫn nước đã bục vỡ. Thật là một chuyện kỳ dị. Kỳ dị vì rất khó có thể tin được.
Thông thường, khi xây dựng các nhà máy thuỷ điện, trong thiết kế, người ta phải tính toán rất kỹ, đề phòng cả những rủi ro, hay sự cố có thể xảy ra, như chấn động địa tầng, hay động đất ở một mức độ nào đó chẳng hạn, vẫn phải bảo đảm công trình đứng vững và an toàn tuyệt đối. Đằng này, chưa xảy ra sự cố gì, chỉ có lũ tràn về, mà lũ về là việc bình thường vẫn diễn ra hàng năm. Thế mà đường ống dẫn nước vào nhà máy đã bục vỡ. Một công yrinh đòi hỏi rất cao về độ an toàn, hoá ra chỉ là một thứ hàng mã!
Thật đáng sợ!
Bản làng tan hoang sau sự cố thủy điện Sông Bung 2 |
Đây không phải lần đầu. Cũng không phải chuyện hy hữu. Sự cố ở các nhà máy thuỷ điện vẫn liên tiếp xảy ra. Các cụ bảo “nhân nào quả ấy”. Điều gì xảy ra tất sẽ xảy ra. Chỉ có điều sớm hoặc muộn.
Ta lại nhớ đập thủy điện Sông Tranh. Con đập rất hoành tráng, kỳ vĩ. Công nhân “tác nghiệp” trên thân đập, trông li ti như những con kiến cỏ. Công trình chưa kịp nghiệm thu, nước đã phun phè phè. Thế rồi lại giải quyết sự cố. Loay hoay đắp chỗ nọ, vá chỗ kia. Có người còn “lấy cả giẻ rách bịt lỗ dò trách nhiệm”, nói theo cách bình phẩm “nghiệm thu công trình” của giới truyền thông lúc ấy.
Cơn ác mộng thủy điện Sông Tranh còn chưa nguôi ngoai thì đã vỡ đập thủy điện Đakrông 3 ở Quảng Trị. Người dân còn chưa kịp hoàn hồn thì lại vỡ tiếp đập thủy điện Đăk Mek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Lần ấy, cũng như sự cố Thuỷ điện Sông Bung 2 vừa rồi, việc vỡ đập không phải động đất, cũng không phải sự cố gì to tát, mà chỉ là chiếc xe ben chở đá va vào thân đập. Thế mà cả con đập đồ sộ đổ nhào. Không ai có thể tin được. So với cả công trình dài 80m, cao 20m, chiếc xe Ben chỉ là một con muỗi mắt. Thế mà chỉ một cú va quệt của “con muỗi mắt”, hơn 60m đập đã vỡ vụn như cám.
Khu vực đập ở hạ lưu dày 1m, phần ở giữa thân đập chỉ được chèn một ít đá tròn, số còn lại toàn là đất cát. Với kết cấu như thế, con đập không vỡ mới là chuyện lạ. Và thật may sao có bác lái xe Ben, bằng một cú va quệt diệu kỳ, đã chứng minh cho toàn thiên hạ thấy rằng, cái công trình kỳ vĩ ấy chỉ là một trò chơi trẻ con, một lâu đài bằng cát.
Nếu không có sự cố “may mắn” ấy, đến khi nhà máy đi vào hoạt động, đập sẽ vỡ, chắc chắn sẽ vỡ, vì không thể không vỡ trước áp lực của nước, với sức mạnh còn bằng hàng ngàn chiếc xe ben kia. Một “quả bom nguyên tử bằng nước” bùng nổ thì sức công phá của nó sẽ khủng khiếp đến mức nào.
Thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) |
Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc. Các cụ nói rồi. Chẳng có gì ghê gớm bằng sự tàn phá của nước, với hàng triệu triệu mét khối đổ xuống thì tài sản và số phận của hàng ngàn người dân sẽ bay đến đâu? Không thể hình dung được hậu quả sẽ thảm khốc đến như thế nào.
Vì thế mà chúng ta lo. Cứ nơm nớp lo cho những công trình từng có sự cố. Nhưng những công trình ấy chưa xảy ra chuyện gì thì lại bùng lên cái sự cố vỡ đường ống dẫn nước vào Thuỷ điện Sông Bung 2. Trước đó, ta chưa từng nghe đến nhà máy Thuỷ điện này.
Ta chỉ biết Thuỷ điện Sông Bung 4 khi thấy một loạt cán bộ phụ trách dự án thuỷ điện đã phải vào tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Và cái “hậu quả nghiêm trọng” ấy là việc thực hiện không đúng quy định, để một số cán bộ và người dân lợi dụng kê khai gian dối đất và cây để nhận tiền đền bù, gây thiệt hại hơn 16,8 tỉ đồng.
Phiên toà mới diễn ra trong ba hôm, từ 7-9 đến 9-9 vừa rồi. Thì cũng vẫn trò gian dối nhằm đục khoét tiền của nhân dân. Cũng như chuyện rút ruột công trình vẫn xảy ra xưa nay. Nhiều cung đường vừa thi công xong đã hỏng, nhiều khu nhà chưa kịp bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng. Đem cách làm ăn theo lối du thủ du thực ấy đi xây dựng những công trình thủy điện thì nguy hiểm vô cùng. Và điều gì xảy ra tất sẽ xảy ra.
Chia sẻ với phóng viên VnExpress, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố vỡ ống dẫn nước vào thuỷ điện Sông Bung được xác định là do nước lũ mạnh gây bục cửa van số 2. Tuy nhiên, theo ông, hồ mới tích nước nên mực nước chưa cao mà đã vỡ cửa van, sau này khi hồ tích đầy nước thì trước sau cũng sẽ vỡ nếu không có biện pháp khắc phục.
Về nguyên tắc, khi thiết kế công trình thủy điện, phải tính toán hết tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối của hầm khi có lũ lớn. Nhưng vừa rồi, lại xảy ra sự cố. Đó là hoàn toàn do lỗi kỹ thuật. Tất nhiên, đấy mới chỉ là vỡ đường ống dẫn nước vào nhà máy thuỷ điện. Nếu vỡ đập thủy điện thì sẽ còn khủng khiếp gấp cả ngàn lần, vì nước đổ xuống hạ du cùng lúc, còn bục van hầm dẫn dòng thì nước chỉ tràn xuống theo lưu lượng thiết kế của hầm dẫn thôi.
Mặc dù thế, sự thiệt hại cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể tính toán hết. Bằng cớ là máy móc và công nhân đang thi công của chính nhà máy này đã bị nước cuốn trôi và đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Rồi còn bao nhiêu những người dân ở khu vực dưới xuôi kia nữa. Bao nhiêu hoa màu, bao nhiêu vườn tược bị cuốn sạch. Bao nhiêu căn nhà của dân giờ chỉ còn trơ nền gạch trống! Thiệt hại ấy làm sao mà tính được đây?
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, nhiều năm trước, khu vực Tây Nguyên từng xảy ra vỡ đập liên hoàn do chất lượng hồ đập không đảm bảo. Khi nước lũ dâng cao đột biến mà các công trình liên quan được thiết kế, thi công lại kém chất lượng thì tất sẽ xảy ra sự cố thôi.
Nhưng tại sao ở các nhà máy thuỷ điện, có thể coi như một công trình vĩnh cửu, đòi hỏi phải thiết kế chuẩn xác, với các quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm chắc chắn tuyệt đối mà rồi lại thi công kém chất lượng là nghĩa làm sao?
Nếu chất lượng bảo đảm thì đã chẳng xảy ra sự cố. Và rồi liên tục xảy ra sự cố, không chỉ ở ngành thuỷ điện mà ở hầu hết tất cả các công trình xây dựng của ta. Từ đường xá, cầu cống, cho đến nhà cửa, đền đài. Nhìn đâu cũng có chuyện cả.
Người dân rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra các sự cố này để có tiếng nói chính thức với dân. Cũng nhân đó rà soát lại tất cả các công trình thuỷ điện, xem ở đâu còn có thể xảy ra sự cố thì phải chỉnh sửa, khắc phục ngay để tránh hiểm hoạ cho dân.
Và điều quan trọng, là phải chấm dứt tất cả các sự cố này, đừng để diễn ra nữa. Muốn chấm dứt những tệ nạn ấy tôi nghĩ cũng không phải khó đâu. Chỉ có điều chúng ta có muốn làm thật không mà thôi. Nếu muốn làm thật thì hãy trị đúng bệnh. Nghĩa là phải triệt ngay căn nguyên gốc của nó. Đó là lối làm ăn điêu trác, là trò rút ruột công trình. Điều ấy đã thành quốc nạn.
Muốn chấm dứt quốc nạn này, phải cấm triệt để những trò phết phảy, những trò bôi trơn, trò chạy dự án và nạn mua quan bán chức. Tất cả mọi sự cố đều từ đó mà ra cả. Người ta bỏ một khoản tiền lớn để chạy quyền, chạy chức, chạy dự án, thì rồi phải bù lại số tiền đã “đầu tư” ấy, rồi lại có thêm một khoản tiền “đút túi” nữa. Số còn lại mới để làm công trình, thì làm sao công trình bảo đảm chất lượng được.
Đấy là lý do hầu hết các công trình của ta chưa kịp khánh thành đã xuống cấp nghiêm trọng. Nếu chấm dứt được quốc nạn này thì sẽ không còn “những sự cố đáng tiếc” xảy ra mà chúng ta vẫn phải chịu đựng suốt bấy lâu nay. Và như thế, những đồng tiền dành cho công trình sẽ đến thẳng công trình, không còn bị thất thoát, rơi vãi./.
"Kiên quyết xử lý nếu có vi phạm trong sự cố Thủy điện Sông Bung 2"
Sự cố Thủy điện Sông Bung 2: Chất lượng công trình có vấn đề ?