** Em rất thích cuộc trò chuyện của anh trên báo VOV. Bữa nay em mạnh dạn trao đổi với anh. Em đọc trong các bài điểm sách, hoặc phê bình, cứ thấy các nhà văn chê nhau là truyện này “giả”, hoặc chi tiết kia “giả”. Thế mà trong sáng tác, người ta cứ khuyên nhau là cần phải biết hư cấu. Xung quanh Truyện Kiều, người ta cũng lại cãi nhau, khi có người bảo trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không hư cấu, người khác lại bảo, nói Nguyễn Du không hư cấu là hạ thấp vai trò sáng tạo của Nguyễn Du. Đã hư cấu là bịa, đã khuyến khích bịa sao lại còn chê người ta viết giả? (Hoàng Hoài Anh, sinh viên trường Cao đẳng Hoá chất Phú Thọ)

Trần Đăng Khoa: Ông nào đó nói, Truyện Kiều không hư cấu, chắc nghĩ đến yếu tố cốt truyện. Nguyễn Du viết Truyện Kiều là dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng nếu chỉ vì thế mà bảo Nguyễn Du không hư cấu thì cũng không ổn.

Cứ so nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thấy khác nhau rất nhiều. Có nhân vật Thanh Tâm Tài Nhân chỉ nói chớt qua, Nguyễn Du lại dựng được thành nhân vật điển hình, dù chỉ bằng vài câu thơ phác hoạ. Nhiều nhân vật của Nguyễn Du đã vuợt ra khỏi trang sách, hoà nhập vào đời sống đương đại, là biểu trưng cho một tính cách, một kiểu người, một lối sống nào đó.

Người ta vẫn bảo: "Con mẹ ấy Hoạn Thư lắm đấy". "Ôi giời, tưởng ai, hoá ra lại gặp ngay phải một mụ Tú Bà". Hoặc: "Hãy coi chừng! Nó là thằng Sở Khanh đấy, chẳng tử tế gì đâu!". Nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân chưa bao giờ có được sức sống như thế. Đó là nhờ tài hư cấu và bút lực của Nguyễn Du.

Nhiều đoạn tả tình, tả cảnh rất đặc sắc trong Truyện Kiều là những sáng tạo riêng của Nguyễn Du. Những tình tiết ấy không có trong Kim Vân Kiều truyện. Nói Nguyễn Du không hư cấu là hoàn toàn không đúng.

Chuyện bếp núc sáng tác đa dạng lắm. Có truyện rất hay mà tác giả không hề bịa đặt. Nó hoàn toàn là một chuyện có thật. Khi chuyện thật đã đủ hay rồi thì người viết không cần phải hư cấu nữa. Còn nhìn chung, đã viết văn là phải hư cấu.

Nói như nhà văn Nguyễn Công Hoan là phải bịa, bịa như thật, thậm chí nó còn thật hơn cả sự thật kia. Bởi thế trang viết mới chinh phục được độc giả. Độc giả như bị thôi miên, đọc sách mà không còn biết là mình đang đọc sách nữa. Bởi mình đã sống cùng nhân vật, vui buồn cùng nhân vật.

Và người đọc thấy nhà văn viết rất trung thực. Ngược lại, có chuyện thật hoàn toàn, người viết kể lại rất chân thành, nhưng ngòi bút không đủ ma lực, không có khả năng mê hoặc độc giả, khiến người ta không thể tin được, vì thấy nó giả quá. Mặc dù trên thực tế, nó là chuyện hoàn toàn có thật ở ngoài đời.

Nhà văn Thái Vượng trước khi về học Trường viết văn Nguyễn Du, anh là một người lính, từng chiến đấu rất dũng cảm. Có lần anh bị thương khá nặng, vậy mà anh còn xốc đồng đội trên lưng, rồi bò đi dưới làn mưa đạn của giặc. Người lính ấy còn bị thương nặng hơn. Cơ thể anh lạnh dần trên lưng Thái Vuợng. Khi biết bạn hy sinh, Thái Vượng cởi cả tấm áo của mình đắp cho bạn, rồi bằng một con dao găm, anh đào huyệt chôn bạn. Chôn rất cẩn thận, để đề phòng thú rừng moi lên. Đào huyệt bằng dao găm lại trong hoàn cảnh bị thương, chúng ta biết anh vất vả như thế nào.

Chôn cất bạn xong rồi, Thái Vượng lần đường trở về đơn vị. Bò đi được một quãng, anh phát hiện ra rằng mình đã để bạn nằm trong vùng đất trũng. Chỉ một trận mưa là bạn chìm trong nước. Mùa mưa lại sắp dến rồi. Thế là Thái Vượng lại bới đất, xốc bạn lên vai, chuyển lên triền núi cao hơn.

Chuyện thật là thế. Thái Vượng kể lại trong một cái truyện ngắn. Rồi anh đọc cho bạn bè nghe, vừa đọc vừa khóc. Vậy mà người nghe cứ thấy ráo hoảnh, lại ngờ ngợ, khó tin, vì nó cứ giả giả thế nào. Thái Vượng tức giận: “Tại sao lại giả? Đó là một chuyện thật. Chuyện của chính tôi. Tôi trực tiếp chôn bạn. Trước khi hắt ra hơi thở cuối cùng, máu nó còn ộc xuống cổ tôi đây này. Máu thật mà các anh lại bảo giả à? Sao các người ác thế!”.

Khổ! Nào có ai ác độc với ai đâu. Máu của người lính rất thiêng. Nhưng ngòi bút viết về máu vẫn có thể rất giả. Lỗi tại ngòi bút của người viết chứ không phải tại máu. Ngược lại, trong truyện “Trước cửa mở”, nhà thơ Hữu Thỉnh kể chuyện một chiếc xe tăng làm nhiệm vụ đột phá khẩu. Nhiệm vụ của đại đội xe tăng là phải chiếm được cây cầu. Kẻ địch tìm mọi cách ngăn chặn cuộc tấn công của ta. Chúng vứt một đứa trẻ mấy tháng tuổi ra giữa đường, làm vật cản xe tăng.

Tình thế rất nguy cấp. Đứa trẻ gào khóc, dãy dụa trong một đống tã lót. Đạn địch bắn như mưa. Cứ cho xe cán lên hay dừng lại? Cán lên thì không thể được. Dừng lại thì chiếc xe có thể bị tiêu diệt. Một chiến sĩ cảm tử, bật nắp tăng nhao ra cứu cháu bé. Rồi cả đại đội tăng loay hoay nuôi cháu bé như thế nào trong suốt chặng đường đánh giặc mà lại không có sữa. Truyện viết xúc động và hấp dẫn. Đọc lại thấy rất thật. Mặc dù đó là cái truyện ấy, Hữu Thỉnh bịa hoàn toàn.

Văn chương lạ thế đấy.Hồi còn học ở Nga, tôi có đọc một cái truyện vừa có tên là “Xứ mù”. Đây là một loại truyện giả tưởng. Ngay từ những trang đầu, tác giả đã nói thẳng ra là ông ta bịa. Vậy mà đọc rất hồi hộp. Nhiều trang sợ đến vã mồ hôi. Truyện kể về một anh chàng đi trượt tuyết. Anh lao từ đỉnh núi xuống. Thế rồi loạng quạng thế nào, anh ta rơi xuống vực. Mà rồi không phải vực. Anh lạc vào một cái hang đá. Thoạt đầu, anh cứ đinh ninh nó là hang đá. Nhưng rồi không phải. Hoá ra anh đã sa xuống xứ mù.

Đó là một quốc gia có lịch sử khá lâu đời. Những công dân ở đây, không ai có mắt. Tất cả đều mù. Vua mù. Quan mù. Quân đội mù. Dân mù. Viện Hàn lâm khoa học cũng mù. Một quốc gia mù. Họ có luật pháp riêng, hiến pháp riêng. Triết học riêng. Tất cả đều biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ quan niệm bầu trời là một tảng đá rộng gác trên các vách hang. Thế giới xung quanh đều là ròi bọ, chưa tiến hoá, chỉ có mỗi họ là thông minh, tài giỏi, dũng cảm, nhân ái và giàu lòng nhân đạo.

Rồi còn bao chuyện khác nữa, toàn những điều kỳ quái, đi ngược lại sự tiến hoá của xã hội thông thường. Chàng trai cứ kêu lên: “Không phải thế đâu, không có chuyện như thế”. Rồi anh giải thích bầu trời thật sự là như thế nào. Con người đã chinh phục được vũ trụ ra sao. Người ta đã chế tạo ra máy bay, tên lửa, vi tính, vô tuyến truyền hình, chỉ ngồi ở một xó nhà, cũng biết được toàn thế giới.

Xứ mù phản đối rầm rầm. Người ta cho là anh chàng điên, do mông muội, chưa tiến hoá nên toàn nói những điều nhảm nhí. Phải đưa anh ta đi giáo dục, cải tạo. Rồi cải tạo mãi cũng không được. Viện Hàn lâm khoa học đem anh ta ra nghiên cứu. Sau một thời gian tìm hiểu, các nhà khoa học mù mới phát hiện ra rằng, sở dĩ anh ta điên khùng, bệnh hoạn vì trên mặt có khuyết tật, đấy là hai cái lỗ nông choèn choèn mà anh ta cứ khăng khăng gọi là đôi mắt. Muốn cứu anh ta, giúp anh ta tiến bộ, chỉ còn có một cách là chọc cho chúng thủng đi.

Thế là hoảng quá, anh chàng bỏ trốn. Cuộc chạy trốn kinh hoàng. Người đọc hồi hộp có lúc tưởng như thót tim. May có một người cứu anh, cưu mang anh. Đó là một cô gái mù. Rồi anh yêu cô. Và sống mãi trong xứ mù, dần dần anh cũng tỉnh ngộ. Anh lại thấy là mình điên thật. Mình đã nói toàn những điều nhảm nhí, mông muội. Và rồi cuối cùng, anh đã tự chọc thủng hai mắt mình để hoà nhập với cộng đồng mù.

Truyện chỉ có thế. Tác giả đã nói thẳng ra là mình bịa. Vậy mà người đọc vẫn bị thôi miên, vẫn thấy là cái truyện rất thật, thậm chí nó còn thật hơn cả sự thật. Đến nỗi nhiều trang thấy hồi hộp, ngợp thở như mình đang bị săn đuổi. Người đọc và nhân vật không còn khoảng cách nữa. Đấy chính là tài hư cấu rất đặc biệt của nhà văn./.