- Chào ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được gặp ông trong một ngày nghỉ cuối tuần. Có mấy vấn đề người dân đang rất quan tâm. Đó là việc một công ty Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống dẫn nước sông Đà bằng gang dẻo và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị nhóm côn đồ hành hung. Trước hết là việc ống dẫn nước…

Trần Đăng Khoa: Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng vừa lên tiếng ngay trong kỳ họp Quốc hội và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Hà Nội phải giải trình trước ngày 31 tháng 3. Bản thân tôi cũng đã bàn đến điều này trong nhiều bài viết và các bài trả lời phỏng vấn.

Khi đường ống dẫn nước sông Đà vỡ đến lần thứ 9, tôi cũng đã nói rằng, nếu vỡ một lần, ta còn nghĩ đó là sự cố rủi ro. Nhưng vỡ đến 9 lần trong một khoảng thời gian rất ngắn thì không thể gọi được là bình thường, cũng không thể biện minh được. Đã vỡ đến lần thứ 9 thì rồi sẽ vỡ đến lần thứ 10, thứ 11…Và cách đây không lâu là vỡ đến lần thứ 17.

vo_ong_nuoc_1__adaj.jpg
Hình ảnh các công nhân sửa chữa, khắc phục trong một lần đường ống nước sạch Sông Đà bị vỡ.

Đường ống Trung Quốc, chắc là loại giá rẻ, thì không vỡ mới là chuyện lạ. Tôi không phủ nhận hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc có rất nhiều loại hàng. Hàng cao cấp của họ cũng có chất lượng cao chẳng thua gì hàng hóa của các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Nhưng hàng hóa tuồn sang ta, phần lớn là chất lượng rất kém, thậm chí còn độc hại. Điều này thì báo chí cũng đã nói nhiều rồi. Dùng ống dẫn nước kém chất lượng của Trung Quốc cho một công trình lớn, đòi hỏi chất lượng cao là việc làm bất ổn của Vinaconex. Vỡ là tất nhiên.

Chỉ có điều đáng kinh ngạc, là một đơn vị làm ẩu, tắc trách như thế lại được trao làm tiếp công trình thứ hai cũng lại đường ống cấp nước sạch Sông Đà với mức đầu tư lớn hơn nhiều, rồi lại vẫn Trung Quốc trúng thầu cung cấp ống dẫn nước mới.

Có ông quan chức còn giải thích rằng Vinaconex đã quen với công việc và có nhiều kinh nghiệm làm ống dẫn nước…Kinh nghiệm gì?  Không thể lý giải như vậy được.

Nếu có trao nhiệm vụ mới cho Vinaconex trong việc làm ống dẫn nước này, thì chính là việc họ phải khắc phục sự cố, không phải sửa chữa mà làm lại, thay lại toàn bộ đường ống dẫn cũ mà họ đã làm ẩu bằng đường ống mới, làm bằng chính tiền của họ. Nhà nước chỉ hỗ trợ khoản chênh lệch, chứ không phải đầu tư mới hoàn toàn.

- Bây giờ lại vẫn Vinaconex làm chủ đầu tư, rồi lại vẫn một công ty Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống dẫn nước thì người dân làm sao không quan ngại?

Trần Đăng Khoa: Nhiều nước khác như Anh, Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Ba lan có đường ống nước rất tốt, tại sao ta không dùng của họ mà cứ phải dùng đường ống của Trung Quốc? Ta đã từng cay đắng vì các công ty trúng thầu của Trung Quốc làm ăn tắc trách, ngay ở Hà Nội là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Tuyến đường sắt này chỉ có chiều dài 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm mà lây nhây mãi chưa làm xong. Đã thế lại bao nhiêu tai nạn xảy ra rồi vốn lại đội lên không biết bao nhiêu mới hết...

Có người bảo, Trung Quốc trúng thầu vì giá rẻ. Vấn đề không phải rẻ hay đắt mà là chất lượng của công trình. Đường ống dẫn nước Sông Đà của Trung Quốc trước đây, giá chắc cũng rất rẻ, nhưng rồi qua 17 lần sửa chữa thì giá đội lên bao nhiêu? Đề nghị công khai cho dân biết  để thấy  ta mua trước đây là rẻ hay đắt?  Và rồi cũng công khai luôn cả danh sách những người trong Hội đồng thẩm định đã chấm cho họ trúng thầu trong việc đầu tư ống dẫn nước mới đây, để nếu lại có sự cố như đường ống dẫn nước cũ thì các vị ấy phải chịu trách nhiệm, nghĩa là phải bán nhà bán cửa đi mà sửa chữa đền cho dân.

Rồi đường ống bằng gang ấy, giới khoa học và Bộ Y tế  cũng cần kiểm định xem có chất độc hại không, rồi công bố cho dân yên tâm. Cần rõ ràng, minh bạch như thế để yên lòng dân thì mới hy vọng tránh được những vấn nạn gây nhức nhối dư luận.

- Còn một việc nữa cũng đang thu hút dư luận. Đó là chuyện nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng viên báo Lao Động vừa bị hành hung rất dã man..

Trần Đăng Khoa: Việc nhà báo bị hành hung thì không phải bây giờ mới xảy ra, mà liên tiếp xảy ra và xảy ra từ rất lâu rồi. Mấy năm trước, hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam từng bị đánh đập dã man. Gần đây là hàng loạt nhà báo bị hành hung. Sáng 18/3, phóng viên Quang Hải, báo điện tử VTC News được Tòa soạn giao nhiệm vụ phản ánh tình trạng dừng, đỗ phương tiện cơ giới lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên phố Láng Hạ, đoạn trước cửa nhà hàng Queen Bee 20 phố Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Anh Hải bị 3 nhân viên nhà hàng hành hung, giam giữ trái pháp luật. Sau đó họ còn giật điện thoại và xóa hết tư liệu mà phóng viên ghi nhận được.

Ngón tay của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị dập nát

Trước đó, chiều 8/6/2015, hai phóng viên báo Giao Thông là Linh Hoàng và Vĩnh Phú đang tác nghiệp tại một quán cà phê gần khu vực cầu Tăng Long, phường Long Trường, quận 9, TP HCM thì bất ngờ bị một nhóm côn đồ hành hungrất man rợ. Mới đây nhất là nhà báo nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng. Anh Hoàng bị đánh rất tàn bạo, may có mũ bảo hiểm, nên đầu không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng toàn thân bầm tím, một ngón tay bị dập nát.

Người dân có quyền được thông tin, quyền nắm bắt sự thật. Ở nước ta, báo chí quả có sức mạnh đặc biệt. Phần lớn các vụ án, các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phát hiện. Khi kết luận nhiều vụ việc lình sình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn báo chí, nhờ có báo chí, ông mới biết rõ hơn một số tình tiết của vụ việc.

Chúng ta hiện có hơn tám trăm tờ báo và hơn một trăm kênh Truyền hình. Nếu tính cả báo điện tử thì phải lên đến con số hàng ngàn, hàng vạn. Đó là lưới giời lồng lộng trong mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo đã xả thân vì miếng cơm, manh áo của dân.

Để có một bài phóng sự hay, họ phải điều tra, nắm bắt qua rất nhiều nguồn, nhiều kênh, như một chiến sĩ công an vậy. Nhưng công an còn có vũ khí để trấn áp tội phạm và bảo vệ chính mình. Còn nhà báo thì không có gì hết ngoài ngòi bút hay bàn phím.

Thêm nữa, công an điều tra, chỉ có các cơ quan chức năng biết thôi, còn các phóng viên lại phơi bản điều tra của mình ra trước công luận xã hội, nên không thể giấu được mình. Nghĩa là họ phải đương đầu với những nguy hiểm, với cả xã hội đen…

- Vậy thì phải có gì bảo vệ họ chứ?

Trần Đăng Khoa: Chúng ta có cả một hệ thống pháp luật bảo vệ. Hiện nay đang kỳ họp Quốc hội, có một số Luật được xem xét, sửa đổi. Trong đó có Luật Báo chí. Chúng tôi mong các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đưa ra những giải pháp mạnh để bảo vệ các nhà báo và những hiệp sĩ chống tiêu cực.

Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm. Vai trò của báo trí bao giờ cũng rất quan trọng. Cùng với việc chống cái xấu cái ác, báo chí cũng phát hiện nhiều vẻ đẹp như phép lạ của đời sống thường ngày. Trong khi có quan chức “ăn” cả đất của dân, thì lại có người dân, sống lay lắt bằng đồng tiền bán vé số, nhưng đã hiến hàng ngàn mét vuông đất hương hỏa, có giá trị hàng trăm cây vàng để xây trường cho trẻ con nghèo.

Một thầy giáo về hưu bỏ tiền riêng làm cầu cho cả làng đi. Một cháu bé mới có ba tuổi mà đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che cho em khỏi bày ong dữ, rồi ra đi một cách thanh thản. Những tấm gương ấy đã làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt. Một xã hội tốt đẹp bao giờ cũng phải biết bảo vệ cái đẹp và trừng trị kẻ ác.

Chúng ta mong các cơ quan công an cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm tìm ra lũ côn đồ và trừng trị thật nghiêm những kẻ đã hành hung các nhà báo, trong đó có nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, để lấy lại niềm tin của Dân vào chế độ.

- Xin cảm ơn ông./.