1.Anh bảo tận thế là tất yếu nhưng phải vài tỉ năm nữa, thế thì nói làm gì, kê cao gối mà ngủ? Và anh nói ngày tận thế 21/12/2012 chỉ là trò chơi?.

ngay-tan-the1.jpg
Người Maya ở nhiều quốc gia tổ chức lễ hội ăn mừng kết thúc chu kỳ và đón kỷ nguyên mới. (Ảnh: AFP)

Đúng thế đấy thím ạ. Mặc dù ta biết nói thế, thím sẽ cười vào mũi ta. Nói cái điều hiển nhiên thì nói làm quái gì. Nhạt. Mà ta thì lại cứ muốn chống lại cái nhạt. Nhưng ở đời, cao hơn sự mặn nhạt lại là một sự thật. Sự thật là sau ngày 21/12/2012, ta với thím vẫn phải làm một cái việc rất tẻ nhạt, là vẫn cứ phải nhìn gương mặt cũ rích của nhau. Nghĩa là ngày tận thế vẫn còn ở xa lắc. Mà thím cũng đã biết tỏng điều này rồi.

Nhà văn Tạ Duy Anh nói rất hay rằng, nếu có Ngày tận thế thật, thím đã chẳng tủm tỉm hỏi hết người này người khác về...ngày tận thế, thay cho việc làm dông dài ấy, thím sẽ tất tả mua son phấn váy áo để kịp mang theo sang ...thế giới bên kia. Còn ta cũng sẽ cuống cuồng dấu đi vài chục cuộc tình, hay xóa ngay những việc làm ám muội, sửa sang bộ mặt cho thật ngay ngắn, tử tế để còn ...thanh thản ra đi.

Ngày tận thế 21/12 chỉ là giấc mơ của nhà tiên tri cổ đại. Nhưng rồi chính các cụ cổ đại cũng đã giải mã giấc mơ là: Sinh dữ tử lành. Biết đâu lại rất hay thì sao? Bởi sau cơn mơ dữ, có khi con người tỉnh ngộ, lại tử tế hơn, không nhăm nhe húc nhau, cũng bớt đi cái thói ăn cắp vặt, như thó trộm tí biển, tí đảo của mấy nhà hàng xóm chẳng hạn. Lúc ấy, mọi trí tuệ, sức lực đều dồn vào mối lo chung, là quét rác vũ trụ, vá tầng ozone, chống tan băng Bắc cực, để đẩy cái ngày tận thế ra xa hơn chút nữa.

Nghĩa là theo anh, vẫn có ngày tận thế?

Tất nhiên. Nhưng không phải ngày 21/12 này. Bởi chẳng có gì bền vững mãi. Dù cuộc sống quanh ta đẹp biết bao nhiêu. Thím hãy nhìn kia. Một cháu bé như thiên thần lon ton chạy bên mẹ. Mấy cụ già oai phong đủng đỉnh tập dưỡng sinh. Bao nhiêu em xinh đẹp như tiên giáng thế...Vậy mà rồi cứ chợp mắt đi trong vòng một trăm năm, mà chẳng lâu đến thế đâu, rồi mở mắt ra: Tất cả đã biến mất không còn một dấu vết. Kiếp người mong manh lắm. Ấy là chưa kể còn bao nhiêu tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Điều này ta cũng đã nói trong một bài thơ rồi:

“Chẳng có gì mới lạTrái đất tít mù quayNóng chán rồi sẽ lạnhBuồn vui đều thoảng bayCái đến rồi sẽ đếnCái qua thì phải quaChẳng cần chi phấn đấuTa cũng thành...cụ giàCoi đời như cát bụiMuốn yên mà chẳng yênThế giới còn chao đảoThì có chi vững bền?Hãy làm một việc thiệnKịp trao nhau lúc nàyNgày mai nào ai biếtCõi người mù mịt quay...”.Trong cuộc sống đầy bất trắc này, không biết được thế nào đâu. Ngay cả một thể chế, cũng đâu có vững bền được mãi, nếu không được xây đắp bằng những gì tốt đẹp thật sự, lại đi ngược lòng dân, đi ngược quy luật tự nhiên thì khó mà tồn tại được. Nhiều khi có vẻ đẹp đã chết, nhưng lại chết trong thế vận động, như những mảnh rác vũ trụ chẳng hạn. Chết rồi mà nó vẫn bay. Nhờ đường bay, có khi rất ngoạn mục ấy, ta cứ tưởng nó vẫn sống, vẫn hùng mạnh. Nhưng thực ra, đó chỉ là những xác chết di động, những hạt bụi của thiên hà. Kiếp người còn mong manh hơn. Ai mà chẳng chết. Nếu có chủ động được thì chỉ chủ động làm sao chết cho... vui. Ta chuẩn bị rồi đấy, thím ạ. Một đám tang không có nỗi buồn. Tràn ngập nhạc vui. Những bài hát lão thích. Ta viết sẵn dặn hai cô con gái rượu và bạn bè thân hữu rằng: Khoa chỉ là Khoa khi lão còn sống (tức là thở ra và hít vào), khi không hít thở nữa thì đấy không phải Khoa. Vì thế, lão không chịu trách nhiệm về cái đống bầy hầy ở trong quan tài. Ghê chết đi được. Tốt nhất là thiêu ngay rồi cho vào cái niêu đất chôn dưới gốc khế. Vì xưa nay chó mèo chết đều như thế cả. Trước khi cho lão vào lò, hãy đọc hộ lão bài thơ bái biệt lão tự điếu mình như sau: 

Bao năm ròng mệt mỏiXuống xứ này rong chơiGiờ ta làm ngọn khóiÕng ẹo bay về giời
…/.