Cây cầu Chương Dương giờ đã vắng bóng người cảnh sát giao thông già tận tụy Lê Đức Đoàn. Những chuyến xe bình yên vẫn đi về mà thiếu vắng một cử chỉ thân thiện, một nụ cười khiến cho những người lái xe trách nhiệm hơn với tay lái của mình.
Về hưu, một chặng dừng trong quy luật. Nhiều vị "đầy tớ" nghỉ hưu trong quên lãng, nhạt nhoà hệt như quãng đời đương nhiệm. Nhưng với ông, người cảnh sát già, đó là giây phút đáng nhớ bên cây cầu trong dòng người lạ quen xuôi ngược.
Không phải trên diễn đàn Quốc hội với nhiều báo cáo "sách vở" dài dòng của các "dân biểu" mà ngay giữa thực tế đời sống muôn nỗi, người dân đã dành tặng ông biết bao lời chúc tốt đẹp, bởi đơn giản ông là đại diện cho hình ảnh người cảnh sát nhân dân "hiếu với dân" - một phẩm chất mà lâu nay bị bôi xoá trong một bộ phận công quyền.
Ông "dạy" cho mỗi chúng ta bài học về sự liêm sỉ trong nghề nghiệp, về sự tử tế trong cuộc sống quá nhiều phiền nhiễu này. Câu chuyện bình dị về ông càng khẳng định nguồn sức mạnh cảm xúc xã hội luôn đến từ những điều chân thực. Sự minh bạch trong veo như ánh ngày hiện hữu từng phút từng giây trên cây cầu quen thuộc với những hành xử đầy tính thiện.
Trước đó ở một chiều ngược lại, vụ nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn khai man lý lịch để nhận danh hiệu Anh hùng bị dư luận phán xét như một vệt đen của sự gian trá, thiếu minh bạch.
Những trường hợp liên quan đến chuyện chạy danh hiệu, giả bằng cấp, đạo công trình, sản phẩm, đạo tên tuổi... nhan nhản trong một xã hội thật - giả lập loè "tranh tối tranh sáng". Một "cơ chế" phân chia danh hiệu theo chức vụ; một "cơ chế" thành tích thì nhận, trách nhiệm thì thoái thác... đang triệt tiêu những mầm tích cực...
Rất gần, đâu đây quanh ta, có nhiều người cả đời cần mẫn làm việc tốt, hy sinh, không toan tính hơn thua. Sự cống hiến của họ làm xúc động bao người. Nhưng họ luôn bị rơi ra khỏi các danh hiệu. Họ không nắm giữ cương vị cao, không nằm trong nhóm quyền lợi nào. Họ từ chối bổng lộc, nhường danh hiệu cho người khác.
Thật bất công vô cùng khi những kẻ "thiếu minh bạch" cứ lần lượt ôm hết danh hiệu này đến danh hiệu khác. Ai sẽ làm cái việc trả lại sự công bằng đó hay chỉ là tầng tầng lớp lớp nhân dân với sự công tâm tuyệt đối vượt thời gian.
Nhưng đã đến lúc, công tác thi đua, xét danh hiệu... phải có những thay đổi từ gốc. Kiểu khen thưởng "mặt trận" nặng hình thức "xin-cho" đã tạo nên "cơ chế" để sự gian dối tiếp tục sống ngang nhiên.
Đặc biệt, góp phần huỷ hoại những cá nhân "thân cô thế cô" lặng thầm làm việc và chịu thiệt thòi, là những nhóm lợi ích o bế nhau, tranh giành từ bằng khen, danh hiệu, các suất ưu tiên cho đến những khoản bổng lộc "đi đêm".
Minh bạch, công khai, dân chủ trong công tác thi đua, trong bộ máy điều hành từ trên xuống dưới sẽ đẩy lùi những bè nhóm gian trá, vun vén lợi ích, dập vùi những cá nhân yếu thế...
Hãy để người dân sáng suốt lựa chọn những người tài năng, đức độ. "Người dân chưa sai bao giờ!". Chiều dài lịch sử dân tộc đã chứng minh cho chân lý đó./.