Dư luận những ngày qua tranh cãi gay gắt về việc cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam diễn ra tại Nha Trang tối 4/11 trong lúc địa phương này và các tỉnh lân cận vừa trải qua một trận bão lịch sử khiến hàng chục người chết, mất tích.
Những người đứng ra tổ chức sự kiện cho rằng, họ đã chuẩn bị công việc này cách đó vài tháng trời, nhà tài trợ, thí sinh, khách mời đã tề tựu đông đủ, nếu hủy, hoãn sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Xét về lý, rõ ràng đây là lý do chính đáng. Việc tổ chức sự kiện và khóc thương không liên quan đến nhau. Giống như hai nhà ở cạnh nhau, nhà có đám cưới chuẩn bị hàng tháng rồi nhưng đùng một cái nhà bên cạnh có đám tang thì phải hủy đám cưới hay sao? Việc nhà ai người ấy làm, miễn là được việc của mình.
Thế nhưng xét về tình, nhiều người cho rằng, trong lúc tất cả dốc lực vào chống bão, tìm kiếm cứu nạn người mất tích… thì nên hoãn sự kiện này. Bởi chẳng ai có tâm trí nào để theo dõi mấy cô người đẹp mặc quần áo tắm đi lại trên sân khấu trong lúc đồng bào mình phải oằn mình chống bão. Chưa kể, nhiều gia đình đang phải chịu cảnh trắng tay, màn trời chiếu đất, tang tóc vì mất người thân.
Người Việt có câu: "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình". Có lẽ vì thế mà làm bất cứ việc gì, đặc biệt liên quan đến văn hoá thì cần đặt trong bối cảnh chung, đề cao tính nhân văn, giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc.
Mà không phải chỉ người Việt Nam mới có tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia khó khăn, đồng cam cộng khổ. Ngay ở Hàn Quốc, khi xảy ra vụ chìm phà Sewol, làng giải trí nước này đã gần như tê liệt vài tháng trời.
Mới đây nhất, nam ca sĩ nhạc đồng quê Jason Aldean, người biểu diễn trong lúc xảy ra vụ xả súng ở Las Vegas tối 1/10, đã hủy 3 show diễn ở California. “Với lòng tôn trọng dành cho các nạn nhân và gia đình họ, cũng như cho người hâm mộ, đây là điều đúng đắn tôi phải làm. Đây là quãng thời gian rất khó khăn cho tất cả những người liên quan vì vậy tôi muốn dành thời gian để mặc niệm những người mà chúng ta đã mất đi” – ca sĩ này chia sẻ.
Còn chuyện “đám cưới bên cạnh đám ma” tất nhiên không phải là chuyện hiếm gặp ở nhân gian. Đám cưới là chuyện của hạnh phúc trăm năm. Đám ma là nghĩa tử, mà với người Việt, nghĩa tử là nghĩa tận. Trong trường hợp này, nhiều gia đình sẵn sàng lùi việc cưới của con mình để hàng xóm xong đám hiếu mới tổ chức ngày vui cho trọn vẹn.
Vậy nên, một sự kiện giải trí rầm rộ diễn ra trên mảnh đất mà trước đó vài giờ quá nhiều người dân phải chịu cảnh mất nhà, mất người thân, tang tóc bao trùm thì cũng đáng chê trách.
Thiệt hại do bão số 12 gây ra là rất lớn. |
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Ở đây, không phải chỉ có “1 con ngựa đau” mà cả một cộng đồng đang chịu bao mất mát, oằn mình chống chọi trong mưa lũ; nhiều lực lượng quân dân lặn lội đào bới, tìm kiếm người thân, người mất tích. Vậy tổ chức cuộc thi người đẹp vào thời điểm này có nên hay không? Liệu có ai còn tâm trí nào để thưởng thức cảnh người đẹp trình diễn trên sân khấu nữa?
Ban tổ chức cuộc thi nói rằng việc chuẩn bị đã từ nhiều tháng nay, nếu hoãn lại sẽ gây thiệt hại lớn. Đến chiều 6/11, khi lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà chính thức lên tiếng thì mọi người mới “té ngửa”, thì ra ngoài sự vô cảm, những người tổ chức sự kiện này còn cố tình phớt lờ chỉ đạo của tỉnh Khánh Hoà.
Nếu Ban tổ chức cuộc thi tạm hoãn sự kiện này với lý do thiên tai khủng khiếp chắc chắn không ai trách móc được họ. Khi ấy, những người phải chịu cảnh mất mát đau thương kia sẽ cảm thấy được chia sẻ phần nào. Và dư luận không mất thời gian tranh luận về một cách hành xử với một sự kiện văn hoá.
Bộ VH-TT-DL đã quyết định tạm hoãn tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Đây có lẽ cũng là một điểm tạm nghỉ để ngành văn hoá nhìn lại việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mang nhiều điều tiếng thời gian qua./.