"Sự cố" của SGK Tiếng Việt liên quan đến truyện Thánh Gióng được đăng tải khắp trên mạng đã khiến tôi phải mở xem lại chính xác bản gốc của SGK Tiếng Việt lớp 5, tuần 26, mục Luyện từ và câu, bài tập về Luyện tập thay thế từ ngữ để liên kết câu (trang 86). 

Tuy nhiên, sau khi xem, mọi điều với tôi hoàn toàn không có vấn đề gì, tất cả đều rõ ràng, chính xác, đúng mực, ngoài việc minh họa phần kiến thức ngữ pháp tiếng Việt, đoạn văn này trích từ một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi còn có nhiều ý nghĩa nhân văn. Vì vậy, mọi người nên đọc thật kỹ, hiểu thật chi tiết và suy ngẫm trước khi phát ngôn bất cứ điều gì.

Hình ảnh trong sách Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5 liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng gây ra tranh cãi. Ảnh: KT
Đây là một bài luyện tập phần Luyện từ và câu tiếng Việt, không phải là bài tập đọc chính về truyện Thánh Gióng. 

Bài tập này được các tác giả biên soạn trích nguyên văn một đoạn của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Học sinh cần đọc hiểu đoạn văn và chỉ ra việc trong đoạn văn này cụm từ "Phù Đổng Thiên Vương" ở câu đầu đã được thay thế bằng các cụm từ tương đương ở các câu sau bằng các từ ngữ "tráng sĩ" và "người trai làng Phù Đổng". Đó là thủ thuật thay từ tương đương được dùng nhiều trong văn tiếng Việt để không phải lặp lại các từ cũ, làm cho bài văn thêm phong phú, sống động. 

Ngay trong câu đầu của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến....”. Như vậy đây là một câu chuyện ‘tưởng tượng’ của nhà văn Nguyễn Đình Thi chứ không phải là truyện thật về Phù Đổng Thiên Vương. 

sach_nguyen_dinh_thi_1_cnnr.jpgĐoạn văn về Thánh Gióng trong tiểu luận của Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Mi Ly/Thể thao & Văn hóa.
Nói về ý nghĩa của đoạn văn này thì nhà văn Nguyễn Đình Thi muốn tưởng tượng ra Thánh Gióng không phải là một người Trời, một vị Thánh, mà là một người bình thường, một "một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa". 

Suy nghĩ tưởng tượng Thánh Gióng như một người bình thường chính là nét nhân văn nhất của đoạn văn này. Đã là người bình thường thì chàng thanh niên này sẽ làm những việc bình thường như ăn cơm trưa, tắm nước hồ Tây, và khi ra trận, có thể bị thương, rất đau đớn và chết. 

Trong câu chuyện tưởng tượng của Nguyễn Đình Thi thì Phù Đổng Thiên Vương là một chàng trai người thật, rất yêu nước, xông pha ra trận đánh giặc rồi bị thương, đau đớn như bao người khác, nhưng anh giấu nỗi đau đó để mọi người khỏi đau đớn. Đó là một hành động cao cả. Như vậy ngoài ý nghĩa về bài học Ngữ pháp Từ và Câu, đoạn văn trên có thể được cô và trò phát triển thêm nhiều ý nghĩa thực tế và giàu tính nhân văn nữa. Tôi không hiểu vì sao báo chí và nhiều người lại có thể hiểu ngược lại và sai đến như vậy?./. 

 

Nguyên văn bài tập này từ SGK lớp 5, tập 2:

Trong đoạn văn sau, người viết đã dùng những từ ngữ nào để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng)? Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?

Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Tảo) rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết.

Nguyễn Đình Thi