Kể từ khi Tòa nhà Quốc hội mới được khởi công và thành hình dần dần trong 5 năm qua, hễ có điều kiện là tôi lại chạy xe qua đấy ngắm nghía. Ở khu vực linh thiêng thăm thẳm bề dày lịch sử và văn hóa đó, bất kỳ công trình nào dựng lên đều phải hết sức cẩn trọng và thu hút sự quan tâm rộng rãi, đặc biệt.
Và đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII, Tòa Nhà quốc hội mới đã được gấp rút đưa vào sử dụng. Kẻ khen, người chưa thích một công trình mới tinh hoành tráng mọc lên ở một nơi quá đỗi linh thiêng cũng dễ hiểu. Riêng tôi thì thấy đẹp. Ý tưởng thiết kế hình khối theo triết lý bánh chưng-bánh dày biểu tượng cho sự hòa hợp trời tròn, đất vuông, được một hãng thiết kế của CHLB Đức nêu ra, quả thực là rất thú vị.
Thế rồi khi đi vào vận hành, do công trình chưa bàn giao chính thức, lại quá bị thúc ép về thời gian, nên cũng gây ra nhiều bất tiện trong tác nghiệp, nhất là đối với các phóng viên và các cơ quan báo chí. Cảnh phóng viên ngồi bệt la liệt ghi chép dưới chân ghế của các đại biểu ngồi họp quả thực phản cảm.
Thế ra để Nhà quốc hội mới thực sự phát huy hết công năng, thỏa mãn yêu cầu đa dạng, xứng tầm với trung tâm của nghị viện thế kỷ 21, còn nhiều việc phải làm.
Ngắm nghía tòa nhà hiện đại và có chút là lạ đấy, cứ thấy láng máng thiếu một điều gì đấy liên kết với quá khứ, với những ngày xa xưa hào hùng của lịch sử dân tộc và cả những buổi đầu chưa xa của cách mạng. Và bỗng “ồ” lên thích thú khi hai chữ “Diên Hồng” và “Tân Trào” được đưa vào Nhà Quốc hội, một cách không thể hợp lý hơn. Tên Diên Hồng được đặt tên cho phòng họp chính của Quốc hội. Còn Tân Trào được đặt tên cho phòng họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tôi ngắm các đồng nghiệp trẻ xúng xính chụp hình trước của phòng họp Diên Hồng để khoe lên Facebook mà rưng rưng xúc động. Tinh thần quyết tâm chống giặc Nguyên Mông thời Trần đầu thế kỷ 13 sống lại. Sự hung bạo của vó ngựa xâm lược vốn đã chinh phục khắp Á-Âu thuở ấy khiến triều đình nao núng. Nhà vua cho triệu hội nghị Diên Hồng để đo lòng dân, hỏi ý dân và nhận được câu trả lời muôn người như một: “Đánh!”. Diên Hồng do vậy là biểu tượng đầu tiên của tinh thần dân chủ và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Nó quá phù hợp với phòng họp chính của Quốc hội. Thậm chí có thể gọi tên cả toà nhà Quốc hội là Cung Diên Hồng cũng ổn.
Còn Tân Trào, chính là sự tiếp nối của Diên Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh. Đấy là ngôi đình, cũng là địa danh mà Cụ Hồ triệu tập quốc dân đại hội nhằm thống nhất ý chí toàn dân, nhất tề nổi dậy chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, giải phóng dân tộc, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có tên gọi đầy ý nghĩa, tự nhiên hai phòng họp này như có linh hồn.
Tên gọi ấy khiến bất kỳ ai khi bước vào đây đều ý thức được trọng trách của mình. Cho dù là thái độ làm việc, ý kiến phát biểu, hay khi ấn nút quyết đáp chuyện quốc gia đại sự… đều là gánh trên vai cả sự phán xét của lịch sử, của lòng dân.
Nói khác đi là 2 phòng họp với tên gọi thiêng liêng ấy cần có các đại biểu xứng tầm. Đó là điều mà nhân dân đòi hỏi, kỳ vọng.
Tự nhiên tôi thấy nhớ những cái tên quen thuộc như Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Quốc Thước, Lê Văn Cuông…Tinh thần và trách nhiệm nghị sĩ của họ, nhân dân sẽ chẳng quên đâu./.