Mới đây nghe hung tin chị nhà báo đồng nghiệp bất ngờ tử nạn do bị xe buýt cán qua người, tôi lại không khỏi bàng hoàng.
Vẫn biết sinh hữu hạn tử bất kỳ nhưng sao vẫn thấy xót xa về một nữ đồng nghiệp trẻ trung, xông xáo và đam mê với nghề.
Chợt rùng mình thấy con “chằn tinh” mang tên tai nạn giao thông đường bộ sao mà ghê gớm quá, khi mỗi ngày nó nuốt trọn 30 mạng người.
Nạn nhân có thể là bất cứ ai. Đó có thể là một vị Giáo sư tiếng tăm của một trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đó có thể là một nhà khoa học nước ngoài tâm huyết sang giúp Việt Nam cải thiện chính tình hình giao thông. Và cũng có cả những sĩ quan quân đội và công an gặp nạn thảm khốc trong lúc đi công tác hoặc trở về nhà.
Rủi ro tai nạn giao thông đường bộ hiện hữu khắp nơi, từ vùng sâu vùng xa đến chốn đô thành, từ chỗ đông đúc đến nơi thưa thớt dân cư, và ngay cả trong những chỗ tưởng chừng như an toàn nhất.
Lại có những nghịch lý thật đau xót: Chết tức tưởi trong lúc tuân thủ nghiêm luật giao thông! Thí dụ như khi dừng chờ đèn đỏ thì bất thình lình từ phía sau, một chiếc ô tô ben đầy đất cát hay một chiếc xe chở container húc tới, chà xát. Tài xế đã phóng nhanh vượt ẩu, say xỉn, hoặc quên kiểm tra phanh!
Chả thế mà mỗi khi có người thân ra đường, người ở nhà lại trông ngóng họ đi đến nơi về đến chốn. Lên đường mà cứ như ra trận.
Trước những cảnh tượng thương tâm vì tai nạn giao thông, ta càng thấm thía khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”.
Tôi biết áp lực thời gian, số lượng điểm trả đón khách và tiết kiệm nhiên liệu đối với các anh lái xe buýt là không nhỏ. Đã vậy nhiều nam thanh niên lạng lách xe máy như trêu ngươi, thách thức các anh. Thời tiết nóng nực, mà các phương tiện giao thông đô thị như mắc cửi. Nhưng bản thân tôi cũng chứng kiến có những chiếc xe buýt “tạt ngang”, ra vào điểm chờ khá đột ngột bất ngờ, khiến người đi đường nhiều phen khiếp vía.
Với tình trạng giao thông hỗn hợp còn phổ biến, hạ tầng giao thông còn kém, ý thức tham gia giao thông chưa cao, cộng thêm tệ hàng quán lấn chiếm vỉa hè… thì chỉ cần một chút sơ sẩy, một chút thiếu trách nhiệm, và một chút thiếu may mắn là cuộc sống của một hoặc nhiều cá nhân nào đó sẽ chấm dứt trong tích tắc.
Tôi nhớ từng đọc một bài báo nói rằng nước Nhật khi bước vào giai đoạn phát triển kinh tế sau Thế chiến thứ 2 cũng phải chịu cảnh tai nạn gia tăng kinh khủng trong một thời gian dài. Người Nhật nổi tiếng kỷ luật và bài bản mà còn vậy.
Chúng ta đã nỗ lực kiềm chế tai nạn, nhưng thông tin về tai nạn giao thông vẫn xuất hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phải chăng số phận là như vậy?
Nhưng nay đã là đầu thế kỷ 21. Chúng ta có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và những nước đi trước giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn giao thông, như Nhật Bản chẳng hạn. Phải chăng ở bên trong đô thị, ngoài hệ thống xe buýt chúng ta phải chú ý thêm đến tàu điện trên cao và tàu điện ngầm (đi trong tuyến riêng) để tránh xung đột giao thông?
Các chuyên gia đã đề cập nhiều đến giải pháp đồng bộ, từ xây dựng lại hạ tầng giao thông, đến giáo dục ý thức an toàn giao thông cho công dân từ tầm tuổi bé thơ.
Trong lúc chờ có hạ tầng giao thông tốt hơn, và các em bé lớn lên với một thái độ “mới” trong tham gia giao thông, có lẽ một giải pháp quan trọng trước mắt để hạn chế tối đa các thảm kịch chết oan do tai nạn là không ngừng tuyên truyền để làm thuyên giảm bệnh linh hoạt tiểu nông và thói bê tha rượu chè trong một bộ phận đáng kể dân chúng.
Thêm nữa, có lẽ cùng cần tăng cường hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn (ngay cả khi đã có ý thức tốt về chấp hành pháp luật) - điều này vẫn còn yếu ở Việt Nam ta.
Hy vọng hệ thống truyền thông nước nhà, với các lực lượng chủ công như VTV và VOV Giao thông, sẽ hoàn thành vẻ vang sứ mệnh này./.