Ngày hôm qua, cơ quan công an đã chính thức khởi tố, bắt tạm giam nữ tài xế BMW gây tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong, 4 người khác bị thương. Người gây tai nạn là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972; ngụ quận 12, TP HCM).

Bà Nga đã bị bắt giam về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 2, điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015, với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.. Người vi phạm thì đã bị bắt, nhưng dù có đền bù, ăn năn tới cỡ nào thì không bao giờ lấy lại được mạng người đã mất, sức khỏe của những người bị thương không bao giờ hồi phục như ban đầu, thậm chí còn có người trở thành gánh nặng cho gia đình chỉ sau một cú đạp ga của nữ tài xế say xỉn này.

lai_xe_bmw_fpgl.jpg
Hiện trường vụ tai nạn

Việt Nam là nước nằm trong nhóm tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới. Cùng với đó là những hệ lụy không hề nhỏ về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, đâm chém, đánh lộn ngoài xã hội. Những hệ lụy từ rượu bia đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng chỉ như “nước đổ lá khoai”, không ai thấy sợ. Chỉ vì, uống mãi rồi có ai phạt, ai xử lý mình đâu.

Chúng ta đã có các qui định cấm uống rượu bia khi lái xe, vậy vì sao vẫn có rất nhiều người lái xe trong tình trạng nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép? Ai cũng biết, nhiều địa phương, vùng miền, khi liên hoan, gặp mặt hay có tiệc tùng thường ép nhau uống rượu rất ghê gớm. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh người đi xe máy vừa điều khiển phương tiện vừa nôn ói, hoặc người lái xe thì loạng choạng còn người ngồi sau thì mềm nhũn như sợi bún, khiến những người đi đường khiếp sợ.

Vì đâu lại như vậy? Do chế tài của chúng ta chưa nghiêm, ý thức của nhiều người chưa tốt, họ vẫn coi cái vui của mình hơn tính mạng của người khác. Đã có thời gian, cảnh sát giao thông một số địa phương đặt chốt kiểm tra sát những quán nhậu để dân nhậu có ý thức khi nhậu thì không lái xe, nhưng sau đó khi không còn ai giám sát thì mọi việc lại đâu vào đấy. Họ coi việc uống rượu lái xe và qua mặt được cảnh sát giao thông là một trò vui, là thành tích.

Khi vào bàn rượu, nhiều người thể hiện bản thân bằng việc phải uống hết mình, “hạ gục” vài người trên bàn nhậu để có dịp “khoe” thành tích với bạn bè, bằng hữu. Nhiều người lại lấy lý do phải có chén rượu, cốc bia mới đưa đẩy được câu chuyện, mới có thể làm việc với đối tác... Tình trạng uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông diễn ra rất phổ biến, khiến cho những chiếc xe giống như những quan tài bay trên phố.

Mới đây, tôi có dịp dự một bữa tiệc của một Tập đoàn khá lớn. Chúng tôi ngồi chung mâm với 7 người làm tài xế trong công ty. Cả 7 người khi được mời rượu bia đều dứt khoát từ chối. Tôi bảo uống một chút thì đâu có ảnh hưởng gì, thì các anh trả lời: Công ty qui định, khi lái xe làm nhiệm vụ tuyệt đối không được uống một giọt rượu nào. Nếu phát hiện ai uống rượu khi lái xe thì ngay lập tức bị sa thải và bị phạt tiền triệu, trừ thẳng vào tiền lương.

Còn tình hình chung thì sao? Xem ra, việc xử lý hành vi lái xe mà trong người có nồng độ cồn còn nhẹ, chỉ phạt hành chính. Trong khi hậu quả có thể xảy ra lại rất nghiêm trọng. Chính vì thế, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần hình sự hoá hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn vượt quá qui định cho phép./.