Nhiều năm trước đây, đầu năm học, học sinh chúng tôi thường được mượn sách từ thư viện nhà trường để học. Hồi đó còn thiếu thốn, sách đi mượn đa số đều cũ lắm, thảng hoặc đôi khi mới có được cuốn sách mới. Chúng tôi mang về, vuốt sách cho thẳng thớm, lấy họa báo bọc bìa cho đẹp rồi sử dụng, đến cuối năm lại trả cho thư viện. Có lần còn bắt gặp trên trang sách đầu tiên, có học sinh lớp trên viết vào sách hai câu “thơ” trêu học sinh lớp dưới: “Sinh sau đẻ muộn thiệt thòi/Sách này chị đã dùng rồi, em ơi!”.
Học bằng sách cũ thế thôi mà học sinh hồi trước vẫn nhiều người giỏi lắm.
Ngày nay thì học sinh dùng sách giáo khoa xong, cuối năm học, sách vẫn còn mới cũng bỏ, chất đống ở nhà rồi chờ khi nào có đợt quyên góp để mang về nông thôn, miền núi thì đem đóng góp. Năm sau lên lớp, lại mua một bộ sách mới.
Mỗi năm các đơn vị xuất bản lại in ra một số lượng lớn sách, gây tốn kém bao nhiêu tiền của, trong khi nội dung sách vẫn chưa thay đổi.
Đó là chưa kể hầu hết vở bài tập, vở trắc nghiệm, sách ôn luyện, nâng cao... của học sinh các cấp đều được các nhà xuất bản in sẵn. Trong sách có sẵn đề bài, học sinh điền luôn lời giải, đáp số. Việc in sẵn này tiện thì có tiện nhưng rất lãng phí, vì sách vở như vậy chỉ dùng được 1 lần rồi bỏ.
Năm học này, thấy nhiều bậc cha mẹ bỏ công ra hiệu sách cũ chọn mua sách giáo khoa đã qua sử dụng cho con mình dùng lại. Tuy hơi mất thời gian, nhưng giá sách còn rẻ được chừng một nửa so với mua sách mới, mà cái chính là việc này có ý nghĩa giáo dục ý thức tiết kiệm cho con em mình. Nghĩ như vậy quả là tích cực.
Không chỉ sách giáo khoa, đồng phục cho các con cũng là một chuyện mà phụ huynh phải lo. Vừa qua, báo chí xôn xao đưa tin về đồng phục mới của trường tiểu học Văn Bình ở huyện Thường Tín- Hà Nội. Mẫu đồng phục sang trọng, theo kiểu… vest Hàn Quốc!. Cả bộ gồm áo sơ mi dài tay, nơ đeo cổ, quần âu dài, áo veston... có giá hơn 600 ngàn đồng, bằng giá bán cả tạ thóc. Thế mà trường học nơi ấy lại ở một vùng quê còn nghèo, gia đình học sinh chủ yếu làm nông nghiệp.
May mà ngay sau đó Phòng Giáo dục- đào tạo huyện Thường Tín rồi Sở Giáo dục- đào tạo Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo Trường tiểu học Văn Bình dừng ngay việc may đồng phục đắt tiền đó.
Hiện nay hầu hết các trường đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Điều này là cần thiết, để tạo môi trường cảnh quan sư phạm đẹp mắt, làm cho học sinh ý thức được tâm thế của mình và tạo sự bình đẳng giữa các em. Tuy nhiên, các kiểu dáng đồng phục ngày càng đa dạng, chất liệu phong phú, chi phí nhiều nơi cũng khá cao lại tạo gánh nặng cho cha mẹ học sinh. Đẹp thì có đẹp thật, nhưng nhiều khi lại thành phù phiếm. Học sinh chỉ cần mặc đồng phục quần xanh áo trắng như truyền thống bấy lâu nay cũng là đẹp rồi, lại dễ mua hoặc may.
Giá như các trường học đều khuyến khích học sinh sử dụng lại sách giáo khoa cũ, đồng phục cũ nếu những quyển sách đó không có tái bản bổ sung, những bộ đồng phục đó vẫn sử dụng được.
Học sinh đến trường, quan trọng là làm sao để các em học tập tốt, thu được lượng kiến thức cần thiết cho cuộc sống mai sau. Có thể quần áo đẹp, sách đẹp cũng phần nào tạo hứng khởi cho các em trong việc học, nhưng vẫn chỉ là chi tiết phụ mà thôi. Các thày cô cần làm sao để học sinh có ý thức học tập, biết vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn và... biết tiết kiệm ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Nhà ai có con đi học chắc đều thấu hiểu nỗi niềm lo bấn vì các khoản đóng góp đầu năm. Nào mua sách mới, mua đồng phục mới, rồi quỹ cha mẹ học sinh… Nếu con học đầu cấp thì phải đóng góp tiền xây dựng trường. Tính sơ sơ ngần ấy khoản cũng lên đến tiền triệu mỗi cháu.
Nếu có 2 con đi học, các gia đình có mức thu nhập trung bình cũng thấy mệt mỏi vì khoản chi phí trội lên trong tháng 9 này, chứ chưa nói đến các gia đình nghèo. Thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, lo cho các sinh hoạt thường xuyên đã vất vả, thì việc dành tiền chi tiêu cho con đến trường dịp đầu năm học quả là bài toán không dễ giải chút nào./.