Cảm giác uất nghẹn, thắt cả ruột gan... khi đọc thông tin vụ cô giáo ở Hải Phòng ép một em học sinh lớp 3 phải uống nước giặt giẻ lau bảng. Cảm xúc này cũng được nhiều người làm cha, mẹ chia sẻ trên mạng xã hội.

Không ai dám nghĩ, giữa thời đại văn minh này, một cô giáo lại có hành động gây tổn thương tinh thần, sức khỏe của học sinh giống như những kẻ “đao phủ” thời kỳ trung cổ. Một cô giáo, một người làm mẹ và được coi là người mẹ thứ hai ở trường đối với con trẻ vì sao lại có những hành động mà không ai dám ngờ tới như vậy?

Sau những sự việc liên tục xảy ra gần đây ở các ngôi trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, một sự bất an, lo lắng đang đeo bám những người đang có con, cháu ngồi trên ghế nhà trường.

0_fuyn.jpg
Bé Phương Anh cầm cái cốc ở nhà mô tả lại cái cốc tương tự em đã từng uống 1/2 nước giẻ lau bảng ở lớp do cô giáo phạt.

Nghề giáo là nghề vất vả nhưng cũng đầy cao quý. Chính vì thế mà chưa có ngành nghề nào có những ca từ, lời thơ hay hơn nghề giáo. Đó cũng là thể hiện sự tôn vinh của xã hội dành cho những người làm nghề trồng người.

Cô là ai? Ai dạy cô những đòn “hiểm ác” như vậy để giáo dục học sinh, lại là học sinh tiểu học?

Chúng tôi, những thế hệ có con, cháu hôm nay đang theo học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, cũng đã từng trải qua thời kỳ đi học. Chúng tôi cũng chịu sự rèn rũa nghiêm khắc của thầy cô, có khi là những đòn roi đau điếng, nhưng đằng sau đó là trách nhiệm, là tình yêu thương, chứ không phải là sự chà đạp, ghét bỏ hay làm nhục người khác.

Sau hàng chục năm ra trường, chúng tôi vẫn thấy yêu quý thầy cô, dù trước đó ở tuổi học trò mình đã từng rất ghét, vì nghĩ rằng họ làm như vậy là ghét mình. Chúng tôi không cổ xúy cho việc dùng đòn roi để giáo dục các cháu, bởi xã hội đã tiến bộ, nhận thức của cha mẹ và học sinh đã khác xưa rất nhiều.

Xưa kia, cha mẹ chỉ lo cho con miếng ăn, làm sao để con không bị đói, còn chuyện học hành thì giao phó toàn bộ cho nhà trường. Còn nay, nhiều gia đình đã rất tận tụy, trách nhiệm trong việc đồng hành cùng nhà trường, thầy cô để dạy các cháu nên người. Cho nên, không cần đòn roi, không cần khủng bố tinh thần,… mà các con vẫn biết nghe lời người lớn. Đó lẽ ra phải là niềm hạnh phúc của người đứng trên bục giảng!?

Trước những vụ việc đau lòng về hành động của giáo viên đối với học sinh xảy ra thời gian qua, nhiều người cho rằng, ngành giáo dục nên có những đợt kiểm tra định kỳ về sức khỏe tâm thần của giáo viên. Bởi, những người có suy nghĩ, hành động bình thường không bao giờ cư xử với người khác, đặc biệt là học sinh thân yêu của mình như vậy.

Cụ thể, trong vụ việc đau lòng xảy ra ở Hải Phòng, hành động của cô giáo không phải chỉ cảnh cáo, rút kinh nghiệm là xong, mà phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe những người khác trong tình hình hiện nay.

Ai còn tin vào nơi gửi gắm con mình hàng ngày khi mà có những người mang danh nhà giáo lại hành xử không giống con người như vậy!/.