Hết thời bao cấp, trẻ con không có cái may mắn được chứng kiến những kiểu mẫu như thế trong đời thực, nhưng buồn thay, lại xuất hiện văn mẫu để tạo khuôn trong tư duy các cháu. 

Đất nước này đã có quá nhiều kiểu mẫu rồi, thêm một vài mẫu nữa không làm cho mọi người bất ngờ, nhất là những người trung tuổi, nhưng chắc chắn làm nhiều người thất vọng.

thoi_bao_cap_rocg.jpg
Ảnh minh hoạ

Những tưởng những năm đầu của thế kỷ 21, với hội nhập và tinh thần làm bạn, mở cửa… thì làm gì còn kiểu mẫu một cách sống sượng và thô thiển. Vậy mà…!

Kiểu mẫu nhìn nhận ở góc độ nào cũng đầy rẫy sự phi lý. Kiểu mẫu là một cái rọ mà “kích cỡ” của nó đủ nhốt mọi sự sáng tạo, đủ sức thị uy để trấn áp và giam cầm mọi ý tưởng, dù tốt đẹp.

Ai cũng biết cuộc sống luôn chuyển động, càng ngày càng nhanh hơn, thì làm gì có một thứ kiểu mẫu đáp ứng cho tất cả, ở mọi thời? Cứ cho là người ta đưa ra kiểu mẫu như một thứ khẩu hiệu, phục vụ cho một phong trào, một chiến dịch, một đợt ra quân.., ở một giai đoạn nhất định. Thế nhưng thực tế xưa nay kiểu mẫu chưa bao giờ có thời hạn. Nó lẳng lặng đến và có thể đã lặng lẽ ra đi, thậm chí âm thầm báo tử, nhưng chưa bao giờ có lời cáo chung cho đàng hoàng, kể cả khi xuất hiện một kiểu mẫu ngay sau đó để thế chân.

Với những người có năng lực tư duy trung bình, khả năng phản biện luôn ở mức rụt rè, thận trọng và cân nhắc, thì dạng thức kiểu mẫu như thế sẽ đóng đinh trong đầu, rằng trên đời này, bất cứ đâu trên trái đất này “phải như thế mới là kiểu mẫu”.

Đã đồng ý với nhau là tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận sự đa dạng thì không thể chấp nhận kiểu mẫu. Kiểu mẫu là cái dây thòng lọng không chỉ treo cổ sáng tạo mà còn trói buộc tư duy, buộc người ta suốt đời làm nô lệ về nhận thức cho một thứ tào lao.

Trong giáo dục gia đình, ta luôn dạy con cái sống, học tập, lao động tuỳ theo năng lực và sở trường, không phải (và không thể) học theo bạn ở đầu ngõ, dù cháu đoạt giải quán quân trong cuộc thi lên đỉnh này đỉnh kia. Vậy hà cớ gì trong cuộc sống cứ bắt cái này phải giống hệt cái kia? Hoàn cảnh, văn hoá, nhu cầu; thời gian, không gian… quy định mẫu cho từng đối tượng. Vì thế áp đặt mẫu là một kiểu đàn áp và xâm lăng tự do cá nhân.

Rồi đây những người tôn thờ chủ nghĩa kiểu mẫu sẽ nguỵ trang công việc của họ bằng các từ trung tính như “để khuyến khích”, “gợi ý”, “tham khảo”…, nhưng xét cho cùng đấy chỉ là cách nói nguỵ biện. Người dân đóng thuế để công bộc kiểm sát việc thực thi luật, ban hành luật chứ không phải ngồi đấy vẽ ra mấy thứ tào lao để tham khảo hay gợi ý. Một xã hội văn minh thì mọi hành vi đều có luật điều chỉnh, kể cả biển quảng cáo.

Mọi sự kiểu mẫu đều dẫn tới sự diệt vong. Hãy tin tôi đi! Không nên quá bận tâm nhưng thực sự cũng hơi bực mình vì đến giờ này mà còn kiểu mẫu thì kể cũng lạ!./.