Có lẽ tin mừng nhất đối với nhiều người ở Hà Nội trong ngày hôm qua là cụ ông 87 tuổi ở Phú Thọ khám ở Viện E sau khi được công bố mắc Covid-19 vào buổi sáng thì ngay trong buổi tối, sau nhiều lần xét nghiệm, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân âm tính với virus Sasr-CoV-2. Ngay sau đó, bệnh viện E cũng đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Nhiều người không chỉ ở Hà Nội, Phú Thọ mà có lẽ ở nhiều nơi như trút được nỗi lo vì khi công bố ca bệnh, căn nguyên lây bệnh không xác định được vì gần như cả tháng qua, bệnh nhân chỉ ở nhà- khu vực mà không có ca mắc hay nghi mắc Covid-19. Hơn nữa cụ ông này từ khi có dấu hiệu ho sốt đã tiếp xúc với khá nhiều người, trong đó có hơn 100 nhân viên y tế của bệnh viện E.

Nhưng có lẽ, vui hơn cả vẫn là những nhân viên y tế ở bệnh viện E. Bởi khi có thông tin ca bệnh, ngay lập tức họ bị cách ly, phải xa gia đình và những đứa con. Mà có lẽ, nhiều người trong số họ chưa chuẩn bị gì cho gia đình, nhất là những đứa trẻ cả về sinh hoạt hàng ngày cũng như tâm thế phải xa cha mẹ.

Những đứa trẻ, nhất là những trẻ nhỏ, khi phải sống xa cha mẹ, nhất là hơi ấm của người mẹ, mới thấy chúng nhớ thương đến nhường nào. Và không có người mẹ nào, khi xa những đứa con mà không đau đáu sự mong nhớ và nỗi lo, nhất là trong lúc dịch dã diễn biến phức tạp, thì sự lo lắng cho con khi không có họ ở bên lại càng gấp bội.

Và trong những đợt dịch vừa qua, chúng ta đã nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt của con trẻ khi có mẹ phải cách ly trong bệnh viện, hay cha mẹ làm nhiệm vụ ở điểm nóng về dịch, không được tiếp xúc với người thân. Hình ảnh người cha, người mẹ quá nhớ con vì lâu ngày không gặp, chỉ dám đứng ở cổng nhìn vào hay đứng thật xa để thấy bóng hình con mình  khiến ai cũng nhói lòng.

Mới đây nhất là hình ảnh Đại úy Cảnh sát Mai Thị Bích Thuận, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Đà Nẵng đứng từ xa ngậm ngùi nhìn con gái đang khóc rưng rức vì nhớ mẹ, khiến nhiều người rơi nước mắt. Gần 20 ngày, chị Thuận tham gia chốt kiểm tra dịch không về nhà, cô con gái nhỏ thiếu hơi ấm của mẹ, khóc nức nở nằng nặc đòi ba chở đến nơi mẹ làm việc để đưa mẹ về nhà.

Nhìn hình ảnh như vậy, mới thấy sự hy sinh của những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu và gia đình họ lớn lao biết chừng nào. Và sự hy sinh đó sẽ không biết bao giờ dừng lại, những giọt nước mắt của con trẻ nhớ mẹ không biết bao giờ mới thôi rơi, nếu như dịch chưa được khống chế.

Và ai cũng biết, trong hai đợt dịch vừa qua, những người làm nhiệm vụ tuyến đầu, trong đó có các bác sỹ, lực lượng hải quan, quân đội, công an… đã gần như nỗ lực hơn 100% sức lực, nhìn hình ảnh những nhân viên y tế phải ăn vội miếng bánh mỳ ở góc đường để dành thời gian làm nhiệm vụ, thậm chí có những người đã kiệt sức ngã gục trong lúc làm nhiệm vụ thì mới thấy họ đã nỗ lực đến nhường nào.

Trong đợt dịch này, cơ quan chức năng và nhiều nhà chuyên môn nhận định, diễn biến phức tạp khó lường vì nhiều ca bệnh mất dấu F0 và không xác định được nguồn lây, không truy vết được hết F1. Thực tế cũng đã minh chứng điều đó. Chỉ mới sau gần 1 tháng, đã có gần 600 người mắc Covid-19 và 25 người tử vong. Và dịch lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng ở nhiều địa phương. Dịch đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề đến kinh tế, đến cuộc sống của phần lớn người lao động…

Vậy mà, trong số chúng ta, ở đâu đó vẫn có sự thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh. Nhiều người gần như bỏ hẳn thói quen đeo khẩu trang khi ra đường, đến chỗ đông người, trong thang máy… Mặc dù đã có quy định về giãn cách nhưng việc thực hiện vẫn chưa nghiêm túc, nhất là ở nhiều hàng quán hay nơi công cộng. Nhiều người không đeo khẩu trang, vô tư cười nói. Ở nhiều cuộc hội nghị, hội họp, đám hiếu hỉ… những người đeo khẩu trang chỉ là thiểu số và họ như lạc lõng giữa đám đông với nhiều ánh nhìn thiếu thiện cảm.

Trong đợt dịch trước, chúng ta dù là lần đầu tiên ứng phó với một loại dịch bệnh nguy hiểm nhưng có thể nói chúng ta đã “chiến thắng”, nhiều nước tiên tiến cũng mong muốn được học hỏi kinh nghiệm. Có được kết quả đó là sự cộng hưởng từ rất nhiều sự nỗ lực, của Chính phủ đến các bộ, ban ngành từ địa phương đến Trung ương, và trong đó chắc chắn phải có sự đồng lòng, đoàn kết và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Chúng ta, ai cũng mong muốn dịch nhanh chóng được kiểm soát và dập tắt, vì nó đã và đang gây ra quá nhiều tổn thất nặng nề cả về tinh thần và vật chất. Nhưng liệu bản thân mỗi người, đã tự ý thức được việc góp phần vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh bằng những hành động rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được là đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếp xúc đông người hay giữ khoảng cách theo quy định…?

Hành động đơn giản nhưng lại góp phần rất lớn, thậm chí rất quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Đó cũng chính là bảo vệ bản thân, gia đình, người thân và những đứa con của chính mình.

Và chỉ khi đó, những nỗ lực, hy sinh của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, của những người cha, người mẹ xa con lâu ngày để làm nhiệm vụ... mới không trở nên vô nghĩa.

Hãy thương xót những đứa trẻ phải xa mẹ. Đừng để những giọt nước mắt của trẻ tuôn rơi, khi mà mỗi chúng ta hoàn toàn có thể giúp chúng làm được việc đó từ ý thức của bản thân trong phòng chống dịch bệnh./.