1. Mấy hôm trước tôi được mời đi xem vở kịch kể về thời Hà Nội trước năm 1954. Ngay màn dạo đầu, để dựng lại không khí phố phường một thời, những người làm vở diễn này đã tạo ra cảnh các tiếng rao hàng đêm. Quả tình tôi thấy gai gai bởi một hạt sạn nhỏ khi cô diễn viên cất tiếng lảnh lót “ai trứng vịt lộn mua”. Đây là một câu rao do những người làm vở diễn này nghĩ ra chứ Hà Nội của tôi dạo đó chưa ai coi trứng vịt lộn là một món ăn.
Nhớ những năm 1956 - 1957, đầu làng Cổ Nhuế bên cạnh làng Chèm của tôi có trường dành cho cán bộ miền Nam tập kết. Làng Chèm quê tôi xuất hiện những anh cán bộ miền Nam ra tập kết. Áo quần bà ba đen, mấy hôm đầu đội mũ phớt trắng, vài ngày sau thay bằng chiếc mũ nan. Anh cán bộ miền Nam tập kết cười rất tươi, và cũng rất hay lội xuống ruộng bắt rắn nước, vào làng mua trứng vịt về ấp dở. Rắn nước và trứng vịt ấp dở (các anh cán bộ miền Nam tập kết gọi là “hạt vịt lộn”) là hai món khoái khẩu. Làng tôi, rồi dần dần cả Hà Nội, cả miền Bắc biết ăn trứng vịt lộn từ đó.
Quê gốc tôi ở làng Chèm, nhưng vào những năm 1953 -1954, khi tôi 5 - 6 tuổi, nhà tôi lại ở giữa phố Duy Tân (tức Hàng Bài ngày nay). 60 năm trôi qua vẫn không thể xoá đi những gì tôi nhớ về Hà Nội thuở ấy. Vào những năm trước 1945, bà ngoại tôi vốn là chủ một nhà hàng bán mắm muối của cả khu vực Chèm và vùng lân cận. Mối cất hàng của bà tôi là các thuyền chum từ vùng Thanh, Nghệ mỗi khi gió nồm nam thổi là dong thuyền ngược ra Hà Nội.
Sau tao loạn một thời, 10 gian nhà ngói của bà tôi nằm bên Bến Ngự bị đốt sạch. Bà tôi quy tiên. Phải chăng đây chính là nguyên cớ mẹ tôi đưa tôi ra phố Duy Tân. Vẫn giữ nếp buôn bán gia truyền nên kế sinh nhai của mẹ tôi dạo đó là buôn sỉ thuốc lào và chè mạn. Nhiều tối mẹ cho tôi theo mẹ đi giao hàng. Những con đường xuôi về nhà thương Cống Vọng mới 7 - 8 giờ tối đã vắng teo, hun hút như tưởng đến khôn cùng. Lác đác dưới ánh đèn điện đường đỏ đọc là những chiếc xích lô bò chậm chạp trên đó là hình dáng uể oải, mệt mỏi của bác phu xe, những chiếc xe đạp vội vã của vài ba gã phu lít đi tuần đêm.
Chỉ cần đi đến cuối phố Bà Triệu chạm đến Hồ Thiền Quang đã thấy một sự hoang vu đến rợn người. Ban ngày, thảng hoặc tôi còn theo mấy anh học trò lớp nhất, lớp nhị (lớp ba, lớp bốn ngày nay) xuống bắt cà cuống hay tuốt trứng của chúng bám vào nhánh cỏ lác ven hồ, nhưng khi bóng đêm ập xuống thì khu vực Hồ Thiền Quang trở thành nơi âm u, bí hiểm và rùng rợn đến ngay người lớn cũng không dám lai vãng. Dọc hè phố, những pa-nô to hình chữ nhật vẽ lính viễn chinh Pháp (hình như chúng được phóng to từ tranh bìa những cuốn vở dành cho học trò sơ yếu lược vào những năm đó) cái thì treo trên xà cột điện, cái thì dựng ở chân cột điện, hay góc phố.
Một tay lính viễn chinh đầu đội mũ sắt, mặt đầy sát khí, hai chân khuỳnh khuỳnh trong tư thế chuẩn bị chạy, hai tay cầm ngang khẩu súng có gắn lưỡi lê đang lao về phía trước. Buổi tối mẹ tôi cho tôi đi xem cùng mấy bà bạn buôn bán lối phố ở rạp Quảng Lạc. Hôm ấy, rạp diễn “hận tương giao” kể tích anh Trương Chi “người thì thật xấu hát thì thật hay” với nàng Mỵ Nương “con quan Tướng quốc ngày ngày cấm cung”. Ngay ngoài cửa rạp, bên cạnh hình nàng Mỵ Nương đang soi mình nơi đáy chén tròn cũng thấy cái pa-nô gã lính viễn chinh khuỳnh chân, chĩa lưỡi lê. Sau này tôi mới hiểu, dạo đó ta đang mở chiến dịch Điện Biên, nên người Pháp phải dựng pa-nô để kích tinh thần lính Pháp đang rã đám.
2. Tôi ở phố Duy Tân vào những năm 1953, 1954. Nhà tôi cách phố Tràng Tiền, Tràng Thi và Bờ Hồ chỉ vài ba trăm mét. Trước nhà tôi lại có đường ray xe điện leng keng. Mẹ tôi vốn kỹ tính nên dặn cậu tôi trông tôi thật kỹ đừng để theo chúng bạn leo lên tàu điện. Thế là mỗi khi mẹ tôi đi vắng, cậu tôi nhãng đi là tôi lại lọ mọ đi ngược lên phía bờ hồ. Nơi tôi tha thẩn đầu tiên bao giờ cũng là quầy bán hoa tươi. Đó là một ki-ốt được xây nghiêm chỉnh, chắc chắn bằng gạch quét vôi vàng tươi phía Bờ Hồ ngay hè ngã tư Tràng Tiền - Tràng Thi. Những cô gái tân thời, những bà mệnh phụ Hà Thành xách làn, ngồi xích lô hình như bao giờ cũng bắt đầu một ngày bằng việc ghé vào quán hoa tươi để chọn mua những bó hoa long lanh sương.
Những quầy bán nước giải khát ven hồ lưu động. Trên chiếc xe đẩy có những chiếc giá gỗ đặt những lọ thuỷ tinh nước nhiều màu. Thứ nào cũng chỉ một xu một cốc mà ngọt mát. Rồi bác bán kẹo kéo, một vai bác đeo cái hộp gỗ gấp, vai bên đeo giá đỡ, tay bác rung chuông lanh lảnh để hoà nhịp với tiếng rao “kẹo kéo, kéo kéo đ..ơ..i. Mua một xu quay xung quanh sẽ được một, được hai, được ba... khúc kẹo ơ... ơ”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thích thú vị kẹo kéo ngọt thanh bởi đường và nha hòa cùng cái bùi giòn của nhân lạc.
Liền với mấy quầy giải khát là mấy bà, mấy ông bán kem thùng. Bà Vi “lác” bán kem que Thuỷ Tạ. Bà Lý “thọt” bán kem Tràng Tiền, nhưng dạo đó tôi rất thích những cái kem gói của ông Năm “rỗ”. Chao ôi, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được mùi thơm, độ cứng và sự dẻo của cái kem vuông... Nhưng rồi tất cả những món quà có sức hút đến đâu vẫn không thể làm bọn trẻ chúng tôi quên được thứ chơi cực kỳ quyến rũ - trò “xi-nê nhòm”. Đó là một cái thùng dài, phía trên nhô lên một bộ phận gì đấy phủ vải đen kín mít mà bọn trẻ chúng tôi tò mò mấy cũng không tài nào biết. Cái thùng có hai, ba lỗ nhỏ để nhòm vào...
3. Đêm mùa đông xuống. Mới gần 9 giờ tối mà đường phố vắng teo. Nằm trong nhà trùm chăn ngồi chép chính tả nhưng tai tôi luôn luôn nghe thấy những tiếng động ngoài phố dội vào. Tiếng chuông leng keng của chuyến tàu điện cuối cùng. Tiếng gió len lén dạo trên những mái nhà... Tiếng rao khi thưa thớt cầm canh tiếng một “ai bánh tây ba tê đây”, khi tiếng rao nọ rụt rè cất lên nối vào tiếng rao kia “ai bánh khúc, xôi lạc đ.. ơ…i”. “Dầu cháo quẩy nóng. Dầu cháo quẩy nóng”. “Phá xa, húng lìu nóng giòn đây”...
Ôi, những tiếng rao một thời nằm lịm trong nỗi nhớ Hà Nội một thuở của tôi./.