Nhờ truyền thông

Truyền thông loan tin khánh thành cây cầu, ngôi trường, đường đi… ở chỗ này chỗ kia. Bà con vui mừng! Thế là nhà nước đã để mắt tới chốn thâm sơn cùng cốc. Nhưng lại giật thót khi bản tin bắt đầu bằng mấy câu: “Sau khi chúng tôi có bài phản ánh… thì công trình đã được… khẩn trương xây dựng”

Báo chí giúp các nhà hoạch định chính sách làm tốt hơn công việc của mình. Thế nhưng nhờ báo chí “trên” mới biết thì không phải ở đâu truyền thông cũng làm tốt như Việt Nam.

nga4vong_fepd.jpg Ảnh minh họa

Cả một hệ thống quản lý nhà nước từ tổ dân phố, thôn, ấp, bản… cho tới tỉnh, thành phố với đủ các ngành dọc ngành ngang công chức, viên chức, trong đó 99% hoàn thành nhiệm vụ, thế mà bao năm phải đợi báo chí lên tiếng mới xây được cây cầu hoặc dăm ba phòng học?!

Sau tiếng nổ lốp bốp của pháo giấy, của tiếng vỗ tay, của tiếng cười nói hỉ hả trong lễ khánh thành thì rồi cũng đến lúc các vị lãnh đạo bước vào xe  vù đi, chắc cũng đem theo nhiều trăn trở như thế.

Mạo danh và chuyện "Cáo mượn oai hùm"

Nhiều năm trước, có người khoác áo nâu sồng gõ cửa từng nhà để bán hương, bán nến (bảo rằng) lấy tiền tu bổ cho ngôi chùa nào đó. Để xác tín, họ chìa ra danh sách, chữ ký người mua kèm cái dấu đỏ choét của ban trị sự.

Tưởng mấy trò bán hương bán nến lặt vặt đó chỉ tồn tại ngoài đường, ngoài chợ, âu cũng chỉ vì miếng cơm manh áo của người cùng cực. Thế nhưng giờ nó còn chui cả công sở dưới hình thức bán sách nhân danh các cơ quan đầy quyền uy như Kiểm toán nhà nước, Bộ Nội vụ, Ban thi đua khen thưởng, Văn phòng chính phủ…

Trong lúc việc ngập đầu, thế mà Bộ GTVT còn phải ra công văn cảnh báo trường hợp có kẻ cứ tự xưng là người nhà của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Từ bán sách cho tới tự xưng là người nhà … đều mạo danh để hù doạ, gây sức ép? Thế nhưng chắc cũng phải bán được sách, phải doạ được vài người thì mấy trò đó mới có đất sống, và cực chẳng đã, cơ quan nhà nước mới phải đánh công văn đi các ngả chứ.

Chẳng biết thực hư thế nào nhưng dù mạo danh, cáo mượn oai hùm đi nữa thì nó cũng phản ánh một thực tế của xã hội hiện nay.

Đó là, nếu cứ phép công, đường đường chính chính mà làm thì có xưng người nhà thủ tướng cũng chẳng việc gì phải sợ. Thế nhưng đâu có đơn giản thế! Còn xin - cho, còn luỵ nhau, còn có lắm thứ phải che đậy,  còn “quan hệ” này nọ… thì còn ngại, còn nể, còn sợ. Mà còn thế thì còn lâu mới hết nạn nhận là "người nhà" của ông này bà kia để cầu lợi./.