Cha, mẹ và con cùng thức dậy từ lúc 4h30 sáng. Con tranh thủ xem lại bài lần chót, sau hai ngày thư giãn hoàn toàn để giải tỏa áp lực trước kỳ thi. Cha mở “gia tài bé mọn” của mình tìm một “bảo vật”, rất có ý nghĩa đối với cha, để tặng con như một lời chúc may mắn. Mẹ làm cho con món bánh ướt tôm chấy để con lót dạ trước khi bước vào trường thi. Món này do con đề nghị vì con cũng như những người Huế khác, thường phát âm không đúng: ướt thì “nói” như ước, nên chi bánh ướt thành bánh ước. Cha biết con ước chi rồi mà. 

Con chọn chiếc áo pull màu đỏ, trước ngực có dòng chữ "Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam", sau lưng có dòng chữ "Hướng về Biển Đông", giống như chiếc áo cha vẫn thường mặc trong những chuyến đi triển lãm và thuyết trình về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt 2 năm qua. Con tự chọn chiếc áo này, có lẽ vì nó có màu đỏ, màu của may mắn, và có lẽ vì nó cho con sự tự tin như cha đã luôn tự tin mỗi khi mặc chiếc áo ấy chăng?

TS Trần Đức Anh Sơn và con trai trước khi đi thi
Vượt qua kỳ thi này, con sẽ đăng ký theo học ngành Lịch sử (nguyện vọng 1) hoặc ngành Báo chí - Truyền thông (nguyện vọng 2) ở chính ngôi trường mà cách đây tròn 30 năm cha đã theo học. Cha để cho con tự do lựa chọn ngành học mà không hề ép buộc, vì nhà mình vốn “dân chủ” nhất Việt Nam phải không con? (“Dân chủ” đến độ chỉ ăn mỗi món thịt heo luộc mà phải có 4 thứ nước chấm khác nhau: mắm rò dành cho cha, mắm nêm dành cho mẹ, tôm chua Huế dành cho con trai, nước mắm chanh tỏi dành cho con gái).

Tuy nhiên, cha vẫn rất mừng vì sự lựa chọn này của con, vì nó có thể cho cha cơ hội trao cho con những kiến thức về lịch sử mà cha đã dày công tích lũy, có cơ hội tặng cho con tủ sách gần ngàn cuốn chủ yếu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo… mà cha đã dành dụm những đồng lương ít ỏi để gầy dựng nên, và có cơ hội truyền cho con niềm đam mê viết lách mà nhờ nó cha đã “nối thông” với thế giới bên ngoài và cũng là một phương tiện để mưu sinh nuôi các con khôn lớn.

TS Trần Đức Anh Sơn phát biểu tại một Triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: Hùng Đặng Hữu Định)
Giờ G đã đến, cha trao cho con “bảo vật” của mình. Đó là đồng tiền vàng khắc 4 chữ Hán “Khai Vận thông bảo” có buộc sợi chỉ đỏ, một biểu tượng của may mắn. Đồng tiền này do TS. Mochizuki Shincho, vốn là một sư thầy tu ở chùa Kyuen trên núi Minobu-san (thị trấn Minobu, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản), tặng cho cha cách đây 2 năm. Tặng cho con đồng tiền may mắn, cha mong con “khai vận thông suốt”, vượt qua kỳ thi này để theo học ngành Cổ sử Nhật Bản như cha và con hằng mơ ước. 
Tiễn con vào phòng thi, cha mong con vững vàng bước từng bước một trên con đường đi đến thành tựu.
Chúc con may mắn./.