1...Sáng sớm nay đọc được dòng trạng thái của một nữ đồng nghiệp. Mấy dòng ngắn ngủi làm vỡ toang bao ý nghĩ nặng trịch sau thông tin: “Tại một phòng thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội, hội đồng thi 18 người chỉ để lo cho một thí sinh duy nhất thi Sử”. Dòng trạng thái xới tiếp vào những câu hỏi quen thuộc nhưng chưa cũ bấy lâu nay:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng”
(Chế Lan Viên)
Một dân tộc với bao khổ đau, bi tráng và vĩ đại, bao câu chuyện hay của quá khứ, mà sao các em lại không thích học Sử, kém môn Sử? Có phải các em thờ ơ không? Hay là cách dạy, và các bài học Sử chưa hay, khô khan, cứng nhắc, đơn điệu nặng nề khiến con trẻ “oải”, chán học, dẫn đến nhiều em không biết gì về lịch sử đất nước mình? Làm cho lịch sử có diện mạo, có tâm hồn để lay động các em là trách nhiệm của những giờ học Lịch sử.
Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ.
Câu thơ của Chế Lan Viên viết về sự thờ ơ trong lòng người của một thời mất nước. Nay mong sao đừng lặp lại ở các em!”.
Chiều 2/6, Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn Sử tại hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) với 18 thành viên Hội đồng coi thi.(ảnh: VNE) |
2. Sự thờ ơ ít ra đã không lặp lại ở nữ sinh đó. Có lẽ những người dạy sử phải cảm ơn bạn rất nhiều vì bạn đã cứu cho trường mình một bàn thua trông thấy. Chí ít vẫn còn “một người sót lại trong sự lạnh lùng đáng báo động đối với lịch sử nước nhà”.
Tôi nhớ một mệnh đề mà ngày trước ăn sâu vào tiềm thức của những người sắp thi đại học: “Nhất Y-nhì Dược-tạm được Bách Khoa-Sư phạm xê ra-Nông Lâm nghỉ khỏe”. “Đầu ra” của sinh viên các trường làm thước đo “đầu vào” cho các sĩ tử. Còn với môn sử bây giờ, rõ ràng ngay “đầu vào” đã không còn hấp dẫn; rồi đến kỳ tốt nghiệp, chẳng dại gì các sĩ tử chọn thi cái môn mà mình kém nhất; các bạn cũng chả hứng thú học thuộc lòng các dãy số ít tạo nên niềm xúc động...
Nhưng dựa vào đó mà bi quan thì cũng không nên. Giữa lý trí và tình yêu, nhiều khi không là một. Trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan, lịch sử dân tộc đã lên tiếng trong trái tim của người dân nước Việt. Nó vẫn đang đánh thức niềm tự hào, kiêu hãnh của những thế hệ đang muốn tựa vào quá khứ để soi rọi ngày hôm nay, để nhân lên sức mạnh cho ngày mai. Khi hiện tại còn quá nhiều chông gai, thì lịch sử chính là nơi ta ký thác những nỗi niềm và củng cố niềm tin. Yêu nước, yêu dân tộc mình, nằm lòng những câu chuyện lịch sử đáng tự hào vẫn luôn là điều đáng quý và cần thiết xiết bao. Nhưng làm thế nào để lịch sử sống trong trái tim mọi người như một tình yêu không khiên cưỡng, không áp đặt, tự nhiên, công khai và đầy dư vị tỏ bày...?
Nhà Trần và ba lần chống quân Nguyên Mông xâm lược (1257-58, 1284-85 và 1287-88). (ảnh: Hà Phương) |
3. Hồi còn nhỏ, nhà tôi ở gần đường tàu Phùng Hưng, ngày nào cũng thấy những chuyến tàu chở pháo lên Ải Bắc. Có điều gì đó bất ổn? Trong nhà, không khí căng thẳng bao trùm. Hình như cả Hà Nội đều hướng về biên giới? Cánh trai trẻ lông măng tuổi cập kè, bịn rịn chia tay bạn gái lên đường. Rồi nhiều người không về. Cách đó một năm thì phải, đứa bạn trai cùng lớp, một sớm tinh mơ thấy lên xe ca cùng toàn bộ gia đình, đồ đạc rời phố. Đó là một gia đình Hoa kiều làm nghề bốc thuốc Bắc. Tôi nhìn theo bạn đang rơm rớm sau lớp kính xe, để rồi sau này mới biết đó là cuộc sửa soạn máu ứa cho những ngày “Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới...” tháng 2 năm 1979 và nhiều năm tháng sau. Hồi đó hàng loạt những bài ca ra đời để cổ vũ cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc, thế hệ chúng tôi không thể quên. Trong số nhiều bài thời đó đã không được phép hát trên các phương tiện thông tin đại chúng, có cả những khúc trữ tình vẽ vẻ đẹp biên cương xanh muôn thuở: “Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào xanh hơn/Nơi đầu sông đầu suối/Nơi đầu mây đầu gió/Nơi tình yêu đôi ta...”. Không thể tự hào hơn thế: “Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới...”. Những lời thơ của Lò Ngân Sủn được nhạc sỹ Trần Chung chắp cánh trong những giai điệu đẹp vô cùng, trở thành một trong những ca khúc hay viết về miền biên viễn Tổ quốc. Và giờ vẫn còn nhiều người hát khúc ca đầy nhuệ khí của Vũ Trọng Hối “Ngày ra đi hướng biên cương/Gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt/Nòng súng thép dán câu thơ/Ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt...”...Trong sâu thẳm lòng người, đó là những khúc ca gan ruột, không chỉ là khẩu hiệu mà là mệnh lệnh của trái tim Tổ quốc.
Và trong những ngày biển động này, tôi chợt nhớ tới hình ảnh nhịp cầu Hà Nội oằn nặng những chiếc xe chở pháo lên Ải Bắc ngày nào...Tôi hát lại những bài hát một thuở và tự hào vì trong mình vẫn còn xanh mãi những khoảng trời biên giới. Những hồn núi vía sông không thể mờ trong sách sử và lòng người...
Với tôi, không còn là câu chuyện thi cử, điểm số, lịch sử bao giờ cũng vẹn nguyên những bài học thấm thía./.