Một chú robot biết làm thơ, biết người đối diện vui hay buồn nhưng ánh mắt của nó không thể chuyển từ lạnh lẽo sang ấm áp chứa chan thương yêu được.

Sáng nay cầu Chương Dương vẫn đông như mọi khi. Thời điểm mọi người đi làm, học sinh đi học thì không thể không đông nhưng hôm nay lại bị ùn ứ. Hơi bất thường!

Tại nạn? Không phải!

Hỏng xe? Không phải!

Đơn giản chỉ vì hai bố con nhà nọ. Cậu bé đội mũ bảo hiểm, mặc đồng phục học sinh, ba lô đeo trên lưng, điều khiển xe đạp điện đi phía trong, ông bố chạy xe máy kèm bên ngoài.

Xem cái cách cậu bé đi thì biết ngay đây lần đầu tiên nó tự đi xe đi học. Mặt nó căng thẳng, mắt chăm chăm nhìn về phía trước, cái cổ ngay đơ, hai tay gồng cứng; đi còn run rẩy loạng quạng!

0_mwwh.jpg
Ảnh minh họa: KT

Người bố kè xe máy sát bên, vừa đi vừa hướng dẫn, vừa động viên và vừa... bảo vệ. Cái cách ông đi như thế là để thằng bé không thể lao ra ngoài và cũng không ai đâm vào nó. Lỡ một trong hai trường hợp đó xảy ra thì ông sẽ là lá chắn sống để bảo vệ nó được an toàn!

Ở Việt Nam giờ cao điểm chậm vài phút coi như ách tắc hàng giờ. Vì thế ai cũng nhao lên trước, hối hả và bất cần, sự lịch thiệp nhường chỗ cho lợi ích và những toan tính cá nhân!

Trong bối cảnh như thế ông bố kia bỗng dưng thành tội đồ. Họ biểu lộ sự bực tức khi đã vượt thoát hai bố con bằng cách rồ ga và không quên ném lại về phía hai bố con những ánh nhìn cáu bẳn, hục hặc vài câu như rủa thầm trong cổ họng.

Người bố có vẻ như muốn chặn đứng những ánh nhìn chết chóc và thiếu thiện cảm như thế hướng tới con mình nên gật đầu lia lịa, ra dấu biết lỗi và mỉm cười vẻ cam chịu. Ông không nối dài những ánh nhìn bực dọc đầy oán trách ấy mà sẵn sàng đón nhận và hoán đổi chúng thành sự ấm áp yêu thương mỗi khi nhìn sang thằng bé.

Người bố vẫn cứ chầm chậm đi để bảo vệ con, để lại đằng sau một đám đông cuồng nộ. Ông sẵn sàng chịu đựng mọi ánh nhìn hằn học, những câu tục tĩu khó nghe. Mỗi lần như thế ông lại nhẫn nhịn cúi đầu, mỉm cười ra dấu biết lỗi và muốn làm hòa. 

Đi rất lâu hai bố con mới đến giữa cầu! Còn 615 m nữa mới hết cầu. Trong 615m ấy người bố sẽ còn phải hứng chịu bao nhiêu lời sỉ vả, dè bỉu của đám đông? Chắc nhiều đấy! Nhưng ông cũng như bao người bố người mẹ khác đủ sức chịu đựng, không chỉ ở 615m còn lại của cây cầu mà là cả cuộc đời, không chỉ đón nhận những ánh nhìn giận dữ khó chịu mà cả hiểm nguy, chỉ vì một lẽ đơn giản: Vì Con!

Cậu bé lần đầu ra đường nên điều khiển xe chăm chú và căng thẳng. Và rồi cuối cùng nó cũng sẽ thở phào khi vượt qua cây cầu. Liệu nó có biết người cha phải chịu đựng bao ánh nhìn thô lỗ thiếu thiện cảm cốt bảo vệ và mong nó trưởng thành?

Tôi đã nhiều lần nán lại ở cổng trường tiểu học chỉ để làm một việc rất vớ vẩn là quan sát ánh mắt của các ông bố bà mẹ khi đưa con tới trường.

Nhiều ông bố rầm rập lao xe tới, phanh kít một cái, thả con xuống, nhưng trước khi rú ga lao đi vẫn ngoái lại nhìn, chỉ khi chân con đã bước qua cánh cổng, nơi có bác bảo vệ mặt mũi nghiêm trọng canh chừng thì mới hoàn toàn yên tâm.

Có ông bố còn quát “xuống” rất to nhưng khi con vừa bước khỏi xe thì ông bố lại nở một nụ cười, một ánh mắt tự hào và một câu bâng quơ, như kể tội với phụ huynh bên cạnh:

 - Lười như quỷ, toàn dậy muộn!

Ánh mắt lưu lại lâu nhất phía sau bước chân con là của ông bà và người mẹ. Một số vừa gò lưng lấy đà đạp xe ra về vừa nghển cổ, hoặc cúi nhìn qua hàng rào, hút theo bóng con.

Có những ánh nhìn ngập tràn hạnh phúc và hãnh diện nhưng nhiều hơn cả vẫn là sự âu lo...như có điều gì đó chưa thực yên lòng.

Chẳng có đứa nào quay lại để chứng kiến những ánh nhìn ấy của bố mẹ ông bà chúng. Sự hồn nhiên trẻ thơ thật đáng yêu nhưng cũng thật đáng trách!

Bỗng dưng tôi muốn cậu bé đi trên cầu Chương Dương ấy (và nhiều cô cậu học trò khác) không chỉ một lần ngoái đầu lại để nhận ra những ánh nhìn ấm áp thương yêu của người thân lúc đưa chúng tới trường mà cả những ánh mắt thù địch họ phải hứng chịu. Có vẻ như vậy thì chúng sẽ cảm nhận được trọn vẹn và đầy đủ hơn công lao và sự hy sinh của của các bậc sinh thành!./.