Một đồng nghiệp của tôi đã dịch đuổi tường thuật của một đài Anh về màn khai mạctrận đấugiữa đội tuyển bóng đá Việt Nam với đội Manchester City, nghe khá thú vị. Xin chép ra đây mong bạn đọc chịu khó theo dõi:

"14:03(giờ Anh) Trận đấu có cách bắt đầu khá thú vị… 

Các cầu thủ vẫn đứng trên sân 5 phút vừa qua, trong lúc đó một ông đeo kính, hình như là chủ tịch của ngân hàng nào đó ở Việt Nam làm một bài giảng rất dài, mà tất nhiên là chẳng ai trong chúng ta hiểu cái gì, vì ông này đang nói tiếng Việt.

-14:06 Bây giờ lại đến một ông khác đến từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông này cũng đeo kính. Và ông ta bắt đầu nói. Rất nhiều. Các cầu thủ trong khi đó vẫn đứng đực như ngỗng xếp hàng trên sân.

man_city_qcag.jpg
Các cầu thủ Man City có phần lạ lẫm với màn tặng hoa và đọc diễn văn.
-14:13 Các bạn đoán thử xem, trận đấu vẫn chưa diễn ra.
Các cầu thủ và trọng tài được tặng mỗi người một bó hoa, hình như là hoa đỗ quyên, tôi không chắc nữa, có lẽ mẹ tôi biết, và bây giờ họ lại đứng đó, giữ hoa, trông rất là e thẹn.
Trận đấu lẽ ra bắt đầu lúc 14:00. Đã 13 phút trôi qua, và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ được bắt đầu sớm.
-14:17 Đây rồi! Trận bóng đã bắt đầu.Tôi không biết đống hoa đấy ở đâu rồi nữa. Có lẽ trong thùng rác. Thật là một sự lãng phí tiền bạc!”.

Bỏ qua môn bóng đá, cách nhìn của một gã bình luận viên nước ngoài trong một đoạn tường thuật ngắn đã phát hiện ra hai điều lạ lùng ở Việt Nam (hiện nay đang là phổ biến và chúng ta hầu như đã chấp nhận đó là chuyện bình thường):

1- 
Những màn khai mạc dài lê thê trong tất cả các sự kiện thuộc nhiều lĩnh vực bởi các diễn văn và phần liệt kê tên, chức vụ, phẩm hàm của quan khách đến dự.

2- 
Sự lãng phí và hình thức khi người ta cứ phải mang hoa tặng nhau  rồi sau đó vứt đi luôn.

Về cái khoản khai mạc thì khỏi nói, cái này khó chữa mặc dù Nhà nước đã có qui định rất rõ ràng. Thậm chí theo hướng dẫn thì ai lên phát biểu hay đọc diễn văn chỉ cần kính thưa người có chức vụ cao nhất đến dự. Quy định này mọi người đều biết nhưng hẩu như  không chấp hành.

Cứ thấy bác nào “có máu mặt tý” là kính thưa tất, chả nên dại làm thất ý ai đó, mà làm thừa so với quy định lại không hại gì thì cũng chả sao. Hầu như ai cũng nghĩ như vậy cả. Trong một sự kiện, màn khai mạc, phát biểu chào mừng và kính thưa hay làm cho thời gian biểu bị kéo ra.

Công Vinh và Joe Hart cầm ngược bức tranh Tháp Rùa trong màn trao quà lưu niệm.

Người tiếc thời gian và coi trọng hiệu quả công việc thì rất khó chịu. Lãng phí thời gian cũng là một sự lãng phí. Nhưng bệnh này hiện nay chưa chữa được. Cũng có thể nó không được coi là một bệnh hay một sự khiếm khuyết cần phải sửa.

Màn tặng hoa thì ôi thôi, kể ra rất là đụng chạm. Đại biểu cấp trên đến thăm đơn vị (không phải trong những dịp kỷ niệm đặc biệt), khách đến cơ quan, những người có thành tích được tuyên dương khen thưởng, hay như các cầu thủ Man City sang ta đá bóng giao hữu… đều có bó hoa tươi thắm tặng nhau.

Hoa nhiều khi do chủ nhà tự mua sẵn. Người tặng hoa và người nhận hoa chỉ là nhận làm phép, sau đó chuyển cho các trợ lý đón rồi để ra bên cạnh. Khi về cũng chả mấy ai nhớ mà mang bó hoa tươi thắm về theo. Nhiều người cũng chỉ cho đó là một nếp ứng xử quen thuộc chứ ít nhìn thấy sự lãng phí của hàng triệu lẵng hoa, bó hoa trong muôn vàn sự kiện được tổ chức hàng ngày…

Mấy anh Tây này hay thật, cái gì không hợp lý, dù chỉ là vài xu là phát hiện ra và nhảy dựng lên ngay được!

Tôi hay xem thời sự trên tivi, nhất là các hoạt động ngoại giao trên thế giới. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là phong cách lễ tân của người Nhật. Họ tiếp khách dù cao cấp đến mấy cũng là trong các căn phòng được bài trí vô cùng giản dị, vừa phải.

Lắm lúc cũng thắc mắc, nước Nhật giàu hàng đầu thế giới, sao không băng rôn, khẩu hiệu, lễ đường...hoành tráng một tý cho ra dáng nước lớn? Nhưng cũng có lẽ vì thế mà nước họ giàu và được thế giới kính trọng?/.