1.Về câu chuyện về hay ở lại tôi coi đó là chuyện cá nhân, là chuyện mưu sinh, tìm nghề của mỗi người. Nếu đi học dùng tiền của một tổ chức có hợp đồng thì người đi học cần tuân thủ hợp đồng, còn nếu học sinh đi học với kinh phí cá nhân thì không nên (chưa nên) bàn về câu chuyện này bây giờ. Không cần lý tưởng hóa, chính trị hóa vấn đề này tại thời điểm hiện tại, thậm chí nên khuyến khích các bạn trẻ ra nước ngoài, đặc biệt là các nước có nền khoa học công nghệ phát triển để học tập, sau đó ở lại tiếp thu thêm nhiều kỹ thuật, công nghệ khác.

Du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: Thanh niên.

2. Vấn đề du học cần được quan tâm ở mức vĩ mô và ở tầm lãnh đạo cao nhất chứ không phải một ông Bí thư nào lại chịu trách nhiệm về việc này. Tôi nhớ vào những năm 70-80 thế kỷ trước, Trung Quốc đã cho phép và cử rất nhiều sinh viên sang Mỹ và châu Âu học tập và chính Đặng Tiểu Bình tuyên bố là cho phép sinh viên học xong ở lại. Đặng Tiểu Bình có phát biểu là không lo, sau 30, 40, 50 năm, những người này sẽ quay về phục vụ đất nước. Về điều này Việt Nam cần học tập Trung Quốc, ngay cả bây giờ mặc dù đã chậm hơn hàng chục năm.

3. Hiện nay số lượng học sinh Việt Nam đi du học rồi ở lại làm các công việc liên quan đến khoa học công nghệ không nhiều. Đây mới là vấn đề cần quan tâm. Cần nâng tỷ lệ số sinh viên học về khoa học công nghệ ở các nước phát triển, khuyến khích họ ở lại nắm bắt các cơ hội phát triển hơn nữa để sau này đem những kinh nghiệm đó về phục vụ đất nước.

4. Tôi vừa tham khảo vài con số thống kê về số lượng các bài báo khoa học của thế giới và số lượng các bằng phát minh sáng chế của thế giới và thấy giật mình về sự lớn mạnh của Trung Quốc. Không hiểu những gì Trung Quốc đạt được hôm nay có phải là hệ quả của chính sách cho học sinh du học thoải mái ở lại trong những năm 70-80 của thế kỷ trước hay không. Xin liệt kê ra đây 2 con số đó:

(a) Bằng phát minh sáng chế. Trung Quốc đã vươn lên số 1 thế giới. Số liệu 2014 của 6 nước có số lượng phát minh lớn nhất, Trung Quốc có số bằng phát minh bằng cả Mỹ + Nhật.

Trung Quốc: 928.177

Mỹ: 578.802

Nhật: 325.989

Đức: 179.506

Anh: 52.605

Pháp: 72.310

(Việt Nam năm 2014 có 561 bằng sáng chế được đăng ký)

(Nguồn: http://www.wipo.int)

(b) Số lượng các bài báo khoa học được công bố chính thức 2014 có tham dẫn, Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, đã tiến đến sát Mỹ và vượt xa các quốc gia còn lại:

Mỹ: 552.690

Trung Quốc: 452.877

Anh: 160.935

Đức: 149.595

Nhật: 114.999

Ấn Độ: 114.449

Pháp: 104.793

(Việt Nam có 3.519)

Đấy là chưa nói đến chuyện ở Mỹ cứ có 3 bài báo khoa học thì có 1 bài tác giả hoặc đồng tác giả là người gốc Trung Quốc./.