Trước ngày 22 và 23 tháng Chạp (cao điểm của lễ cúng ông Công, ông Táo – một phong tục đẹp của người Việt Nam), nhiều bạn trẻ chia sẻ hình ảnh các tình nguyện viên đứng ở cầu Chương Dương ôm tấm biển để kêu gọi mọi người “thả cá đừng thả rác”. Ai cũng tin rằng, năm nay, những hình ảnh này sẽ lay động lòng người, nhiều người sẽ có ý thức hơn trong việc thả cá, để túi nilon, rác thải đúng nơi qui định. Thế nhưng thực tế thật buồn, những hình ảnh xấu xí muôn năm cũ lại được dịp tái diễn. Người ta vẫn vô tư đứng trên cầu ném lư hương, bàn thờ, túi nilon… xuống sông, hồ. Nhiều chân cầu, bờ hồ trở thành những bãi rác bất đắc dĩ. Và… những bạn tình nguyện viên người nước ngoài và người Việt Nam lại cùng nhau lụi cụi nhặt rác. Họ đang cô đơn trong cuộc chiến chống lại thói xấu xả rác bừa bãi của người Việt.
Hình ảnh không hiếm gặp trong ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời |
Mấy năm trước, cả xã hội gần như “lên đồng” trước hình ảnh ông Tây móc cống “Thối” ở Hà Nội. Người Việt lao vào chỉ trích nhau rằng sao không biết xấu hổ khi để một ông Tây từ đẩu đâu ấy đến giữa Thủ đô dọn rác. Trong khi đó, những người sống quanh khu vực cống thối hay những người hàng ngày đi qua, đi lại chỉ biết nhăn mặt, bịt mũi mà không có bất kỳ hành động nào. Rồi việc làm và hình ảnh của ông Tây đó cũng dần chìm vào quên lãng, dù biết rằng sau đó, ông Tây ấy vẫn cùng các bạn tình nguyện viên hàng tuần vẫn đi dọn rác ở một số nơi quanh Hà Nội.
Rồi lại buồn hơn khi ngày hôm qua đón nhận tin một nam sinh vì cứu 3 mẹ con đi thả cá phóng sinh mà mất mạng. Trường hợp sảy chân ngã xuống hồ, sông khi thả cá phóng sinh không phải năm nay mới có. Rất nhiều người đã từng gặp tai nạn này nhưng may mắn thoát khỏi miệng Hà Bá. Cái chết đau lòng của nam sinh viên thực sự bắt buộc chúng ta phải có cái nhìn, cách làm khoa học, bài bản hơn.
Đã đến lúc, những hoạt động dù là tín ngưỡng, tâm linh, cũng cần được đưa vào qui củ. Các cơ quan quản lý không thể đứng ngoài cuộc mà cần qui định rõ nơi nào được thả cá và có các giải pháp hỗ trợ cho người dân thả cá đúng cách. Còn như hiện nay, mạnh ai người ấy làm, thích thả cá chỗ nào thì thả, thả cho xong chuyện. Và cũng cần có những điểm phù hợp để người dân “hóa” những đồ tâm linh như bàn thờ, lư hương, bát nhang… để không phải vứt bỏ tràn lan. Người dân làm không đúng cách không những “phạm” vào những điều cấm kỵ tâm linh mà còn phát sinh những vấn đề môi trường vô cùng tiêu cực. Bởi số cá, ốc… được phóng sinh nguy cơ chết rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tất cả những điều mọi người đã và đang làm đều mong muốn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng thực tế thì sao? Cuộc sống của chúng ta đang bị chính chúng ta làm cho xấu xí, tệ hại hơn, có thể do vô tình hoặc do thiếu ý thức!/.