1.Tối qua, phố Trúc Bạch hết phong toả, cách ly. "Chúng tôi mong chờ ngày này từng giờ, vui hơn cả Tết..." đó là chia sẻ của người dân đoạn phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) sau 14 ngày được cách ly. 14 ngày qua, 189/189 người dân của 66 hộ gia đình thuộc diện phải cách ly đã được xét nghiệm ít nhất hai lần, kết quả đều âm tính, sức khỏe hoàn toàn ổn định.
14 ngày đó, 66 hộ dân quanh quẩn với nhau như đàn gà bên cối xay lúa, và đó là thời điểm họ trở nên thân thiết với nhau, một phố như một nhà, như một gia đình. Họ chia sẻ, họ thân thiện, họ biết thêm nhau, họ biết thêm tên người hàng xóm, họ biết thêm nết ăn, nết ở của khu mình, phố mình, nhà bên cạnh mình. Những sự biết đơn giản ấy thôi nhưng lâu lắm rồi, rất lâu rồi, sáng bảnh mắt cho đến sập tối, ai lo thân người đó, nhà nào thu vén nhà đó, tưởng quên cái tình xóm, tình làng, nay thì ùa về hết, tình người tươi non và bền vững.
14 ngày họ chung lo lắng, và đêm qua họ chung niềm vui trở lại với cộng đồng. 14 ngày họ nương náu bên nhau, dìu nhau đi trong thời khắc đáng nhớ, thời khắc khó quên, thời khắc lo lắng nhưng ấm áp tình người. 14 ngày Hà Nội lo cho Trúc Bạch, vì Trúc Bạch, dìu Trúc Bạch đi qua hoạn nạn.
Người dân khu vực Trúc Bạch xuống đường vỗ tay và liên tục hát bài Ghen Covy ăn mừng. |
2. Bạn tôi nói, khi chung cư của bạn bị cách ly, cảm giác hoảng hốt, lo sợ, bất an dâng ngập, có người khóc, có người hét lên, tưởng không thể sống nổi. Nhưng rồi, ngần ấy thời gian trong cách ly, mỗi nhà lại tự biết với nhau, đến với nhau, nhìn mặt, gọi tên, ấm áp và gần gũi. Trẻ con thêm bạn. Người già thêm bạn. Gia đình thêm hàng xóm. Họ bắt đầu trở lại với thói quen hỏi han nhau mỗi ngày, gửi thức ăn, cốc sữa, điếu thuốc, ấm trà cho nhau. Trong cách ly tưởng thế mà gần gũi.
3. Những ngày tháng qua vì dịch, công việc giảm, thậm chí còn không có việc, mọi người ở nhà nhiều hơn. Rất nhiều, gia đình có thời gian quần tụ, sau những ngày chống chếnh. Mọi người bắt đầu tổ chức lại cuộc sống, nền nếp, làm được nhiều việc mà trước đây không làm được vì công việc tất bật. Những đứa con gần gũi bên bố mẹ. Vợ chồng gần gũi bên nhau. Nhiều tổ ấm bắt đầu nhen lại lửa. Nhiều đôi vợ chồng dìu nhau về hồi ức, về thời gian yêu, để nhen lại với nhau lửa tình mà vì nhiều lý do đang phai nhạt.
4. Chúng ta cũng có thời gian để nhắn tin thăm nhau, có thời gian để gọi điện, để hỏi han, để sẻ chia, nối lại những quan hệ bạn bè, nối lại những kỉ niệm, mà trước đó, ngày thường, công việc cứ cuốn chúng ta đi, cuốn đi cùng với lời thanh minh, phân bua, thở dài vì sao nhãng bạn bè, gia đình.
Cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự tỉnh với cháu Pắc Minh Quang, tỉnh Bắc Giang lưu luyến trước lúc chia tay. |
5. Chưa có thời khắc nào kì lạ như thế này, cả thế giới cùng nỗi lo, cả thế giới cùng kẻ thù, cả thế giới cùng lăn xả vào bảo vệ mạng sống không chỉ cho một người, một nhóm người, mà cho cả cộng đồng, không phải chi cho quốc gia mình mà cho toàn thế giới. Chưa có thời khắc nào kỳ lạ như thế này, cộng đồng lớn, bé, từ toàn cầu đến chỉ trong một gia đình, như là một.
Hàng nghìn sinh viên tại 3 tòa nhà cao tầng trong khu ký túc xá sinh viên Mỹ Đình II đã di chuyển toàn bộ đồ đạc, vật dụng để lấy chỗ làm khu cách ly chống Covid-19. |
Tôi nhận ra tôi, cuộc sống hoá ra cũng đơn giản, khi tự cách ly, chi tiêu vừa đủ, mối giao lưu qua tin nhắn, điện thoại nhiều thêm, nghĩ về con cái, người thân, bạn bè nhiều thêm, những bước đi chậm hơn. Tôi tự dìu tôi vui vẻ qua từng ngày, qua từng giờ, mừng vui khi sáng dậy vươn mình khoẻ khoắn. Tôi mừng vui khi bạn bè báo tin an lành, tin nhắn ra toàn cõi, vượt biên giới, bỗng thấy mình không cô độc, bỗng thấy mình hình như đang rất cần cho mọi người và mọi người vô cùng cần cho mình dù không gặp được nhau./.