Tôi đã cho con ra học trường ngoài công lập được vài năm và cũng chừng ấy năm đến ngày lễ tết, ngày Hiến chương các nhà giáo… tôi không phải đôn đáo lo quà cáp, tặng quà cho thầy cô như khi con học ở trường công. Bởi, ở ngôi trường con tôi học, nhà trường qui định không tặng quà thầy cô giáo dưới bất kỳ hình thức nào. Và những ngày lễ của thầy cô hay những dịp như 8/3, 20/10, các con trong trường sẽ tự làm bưu thiếp hoặc có những hoạt động ý nghĩa để chúc mừng những người truyền thụ kiến thức cho các con. Tôi và nhiều phụ huynh thích cách làm đó, không phải vì chúng tôi tiếc tiền mua quà, cũng không phải vì chúng tôi không biết tri ân, mà nó khiến cho môi trường các con tôi theo học được trở nên công bằng, thân thiện; thầy cô giáo cũng không bị chi phối vì bất kỳ mối quan hệ nào…

qua_tang_20_11_lovk.jpg
Các món quà tặng thầy cô ngày 20/11 phải làm sao thật sự có ý nghĩa, đáng trân trọng, đúng nghĩa tri ân

Cũng là chuyện tặng quà, chúc mừng ngày 20/11, một người bạn của tôi có con học trường công lập cho biết, nhà trường cấm các phụ huynh tặng thầy cô phong bì, mà chỉ được tặng quà. Quy định này khiến phụ huynh càng đau đầu hơn bởi họ không biết mua gì tặng thầy cô? Nếu tặng những thứ thầy cô không thích, không sử dụng được thì lãng phí; thứ đắt tiền thì điều kiện tài chính lại không cho phép…

Tôi suy ngẫm: có nhất thiết ngày 20/11, khi đến thăm thầy cô, tri ân thầy cô phải có quà tặng mới thể hiện được tấm lòng? Có lẽ nhiều người không muốn nhưng vẫn làm vì sợ mình không có động thái gì con mình ở trường sẽ thiệt thòi.

Rõ ràng, những suy nghĩ thực dụng đã ăn sâu vào mọi quan hệ xã hội khiến cho nhiều người trở nên ái ngại khi đi đâu, làm gì mà không có "chút gọi là" thì cảm thấy không yên tâm.  

Có lẽ chính do các biểu hiện trong ngành giáo dục thời gian qua khiến các phụ huynh nghĩ rằng nhiều thầy cô giáo làm gì cũng vì tiền. Đầu năm học mới nào cũng nóng chuyện lạm thu. Còn vào năm học lại nóng chuyện dạy thêm, học thêm. Nếu thầy cô tận tâm với nghề thì có lẽ chẳng cần học sinh phải học thêm thì mới làm được bài kiểm tra giữa kỳ hoặc cuối kỳ?!

Còn về phía phụ huynh, thực tế đã có nhiều người dùng tiền để xin, mua… cho con mình có điểm đẹp, học bạ tốt. Vì lẽ đó, nhiều người khác, cũng muốn bỏ tiền ra để “mua chuộc” sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô với con, em mình. Bởi cũng đã có không ít phụ huynh chia sẻ về những cảm nhận của họ khi không có sự “qua lại”, chăm sóc thầy cô thì con họ thường phải gánh chịu những thiệt thòi khi đi học.

Tôi không phủ nhận, trong xã hội hiện nay có nhiều tấm gương thầy cô hy sinh hạnh phúc, lợi ích cá nhân vì học sinh thân yêu, nhưng cũng còn một số thầy cô có lối sống, cách hành xử, cách kiếm tiền bất chấp mọi giá trị, gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh.

Không phải tự nhiên mà những thế hệ 5x, 6x, 7x và một phần 8x khi nhắc đến tình thầy trò luôn dành một tình cảm trân trọng. Thời của họ, đất nước còn nhiều khó khăn nhưng tình thầy trò vô cùng cao quý. Bởi, họ vô cùng may mắn khi có những người cha, người mẹ thứ 2 ở trường.

Thầy nào thì trò nấy. Nếu thầy chẳng ra sao thì mọi lời giảng, răn dạy đều vô nghĩa. Phải có thầy giỏi thì trò mới giỏi được. Thế nhưng nhìn lại cách chúng ta đào tạo ra người thầy thời gian qua như thế nào? “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, đó là một đúc kết đáng suy ngẫm. Từ cách đào tạo này đã gây ra biết bao hệ luỵ trong ngành giáo dục.

Tôi viết những dòng này không phải để trì triết hay phê phán ai mà chỉ mong có một sự thay đổi trong cách hành xử của mỗi người (cả phụ huynh và giáo viên) để mối quan hệ thầy – trò được trở về đúng giá trị thiêng liêng vốn có, đừng để mỗi dịp 20/11 lại là một dịp lo!/.