1. Vào Đài được ít năm, một bữa trời nắng rang, tôi xách xe máy cùng một ông bạn đồng nghiệp xộc thẳng về một xã miền núi xứ Thanh, hăm hở lùng sục đề tài, mang vác theo bao sứ mệnh báo chí.

Tối đó, tại nhà một người dân, chúng tôi ăn bữa cơm của dân nghèo, uống bữa rượu chắt ngay từ nồi đồng đang cất. Rượu nóng, cá kho mặn, trong hơi men, chúng tôi hào hứng “thuyết giảng” về “quyền lực” của báo chí.

Hay tin báo Trung ương về, bà con chòm xóm lũ lượt kéo đến, kèm theo cả đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó nhiều lá đơn đẫm nước mắt. Trong máy ghi âm của tôi găm lại nhiều lời than thở và cả phẫn nộ. Hình như trong vòng vây kín đặc bà con, chúng tôi đã hứa thật nhiều thì phải.

Tôi lọc từ dăm lá đơn, lần theo các địa chỉ, viết được vài phóng sự. Còn lại, tôi chuyển về đúng chỗ, mong chờ những hồi âm. Nhiều năm sau gọi điện hỏi thăm, bà con vẫn than nghèo, vẫn nhiều chuyện bất công, vẫn còn lắm “cường hào”. Tôi thấy mình bé đi rất nhiều, hệt như gã Đông Ki Sốt vẫy vùng trong gió lốc...

Từ ấy tôi chỉ dám hứa với mình thôi, viết gì đó nho nhỏ không “vỗ ngực”; không cố cài cắm “biện pháp” như dạng mô hình bài báo “con cá”: nguyên nhân, thực trạng, giải pháp; không kết luận choang choang: hy vọng rằng, thiết nghĩ rằng... Cố viết được gì có ích thì viết dù chỉ bé tin hỉn bằng con cá kho còi mặn chát xứ núi nghèo.

... Một sớm sông Mã loe nắng sớm, chia tay bạn đồng nghiệp theo đò dọc lên thượng nguồn, tôi ngang sông sang bản. Bản thuộc huyện Sông Mã, Sơn La, tôi không nhớ tên, chỉ không quên cái tên “ngoài luồng”: Bản “Phê”. Bản có hơn chục nóc nhà, nhà nào cũng có con em nghiện. Nhà bí thư có năm người con thì nghiện bốn. Căn nhà tối tăm dặt dẹo bóng cô hồn. Tôi cũng chẳng bao giờ quên được ánh mắt của người cựu chiến binh leo lét như ngọn đèn hao dầu kiệt ánh sáng.

Tự dưng thấy ý định tha thẩn đôi câu thơ, vài khúc tản văn giăng gió, dăm tấm ảnh đường rừng khoe máy... như lọt thỏm trong câu chuyện ám ảnh mùi anh túc và bóng đêm HIV.

Tôi ghi âm lại lời kể của vị bí thư sầu não như một cách đánh động ngòi bút của mình hướng về những thân phận. Đúng rồi, những bài báo không dõi từ trên cao “răn dạy” mà luôn cúi xuống đồng hành...

2. Mặt trận báo chí giờ xông pha nhiều chiến binh trên mọi hình thái: Nhanh, sắc, quyết liệt hơn, nhưng cũng... ẩu hơn về độ xác thực thông tin và cả cách viết, câu chữ... Tôi chợt nhớ tới những cụ “Tỉnh táo viên” âm thầm của nhiều tòa soạn, nhất là báo in, giờ như thưa bóng dần. Đời sống báo chí vẫn cần lắm các cụ vì in ra “giấy trắng mực đen” rồi, sửa sao được. Hồi mới ra trường, tập việc ở một tòa báo kinh tế, tôi nhớ giáp Tết, bài báo chỉ sai có một từ mà cả tòa soạn phải còng lưng ngồi cắt dán chữ chuẩn thay vào để kịp phát hành.

Các cụ “Tỉnh táo viên” thường là những nhà báo “cứng cựa” đã nghỉ hưu, được giữ lại làm biên tập, chữa lỗi từ nội dung đến câu cú. Phần lớn các cụ đều tự trào lộng coi mình là những nhân viên sửa mo-rát. Nhưng thực ra vai trò của các cụ lớn lắm, canh gác cho “sự an toàn” của tờ báo. Không có các cụ, nhiều phóng viên trẻ ào ào ỷ vào việc phải đưa tin nhanh nên viết vội, chữ tác đánh chữ tộ, chưa kể có nhiều bài câu view gây sốc, lệch lạc về góc nhìn, hiểu biết xã hội.

Mỗi khi có dịp đến chơi hoặc cộng tác ở các tòa soạn, tôi đều tìm cơ hội làm quen hầu chuyện các cụ “Tỉnh táo viên”, khi thì cậy nhờ sửa cái tít, lúc lại thỉnh giáo vài đường viết, rồi xin gợi ý những đề tài mới... Học cả các cụ ở ý thức vì công chúng, trách nhiệm với bài viết. Hệt như việc nấu nồi cơm ngon gắng không để lẫn những hạt sạn... Các cụ bảo, đó chính là đạo nghề, chẳng phải tìm đâu xa mà ngay trên bàn viết mỗi ngày.../.