... Dù mới đến đây vào cuối tháng bảy, nhưng tôi không xa lạ với Việt Nam. Tôi đã làm việc ở đây vào những năm 90, khi tôi còn là một nhà ngoại giao trẻ. Khi mọi người nghe thấy điều này, thì câu hỏi đầu tiên của họ là “anh nghĩ mọi thứ đã thay đổi như thế nào?” Vì thế, có vẻ đây đương nhiên là đề tài cho blog đầu tiên của tôi. (Thực ra đó chỉ là câu hỏi thứ hai mọi người hay hỏi. Vì ở Việt Nam, điều đầu tiên mọi người sẽ hỏi là “Anh có gia đình chưa?” Vâng, tôi lập gia đình rồi. Tôi có vợ, cô ấy tên Gill và hai con đang tuổi đi học. Nhưng tôi không định blog về họ!)

PAN_1174

Việt Nam đang trên con đường phát triển kinh tế ngoạn mục. Ta có thể thấy dấu hiệu của sự phát triển đó ở mọi nơi. 21 năm trước, khi lần đầu tiên đến đây, Việt Nam là một nước rất nghèo. Tổng sản phẩm quốc nội trên một đầu người chỉ khoảng 250 đô la Mỹ một năm. Một chút ký ức riêng của tôi về thời gian đó: vào buổi sáng, hệ thống cấp nước cho nhà tôi rất phập phù, tôi thường phải bắc máng nước trên mái nhà và dùng nước sinh hoạt ở bể chứa nước mưa. Giờ Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình, tầng lớp trung lưu ở các thành phố và thị trấn đang tăng lên, và trên cả nước, tiến trình hướng tới các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) đã có những thành tựu tuyệt vời.

Tôi vẫn có thể nhận ra khu trung tâm của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù nơi đây đã mọc lên rất nhiều cửa hàng mới, nhà hàng, khách sạn và các cao ốc sang trọng. Nhưng nếu bạn thả tôi ở vùng ngoại ô mới mở rộng, tôi sẽ bị lạc ngay. 20 năm trước, những nơi này là cánh đồng lúa và những ngôi làng yên ả. Tôi đã thực sự bị sốc vào khoảnh khắc khi tôi đứng ở khu ngắm cảnh của tòa nhà Bitexco ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày xưa, điểm ngắm cảnh đẹp nhất là ở nóc quán bar trên tầng 10 của khách sạn Caravelle cũ. Tôi chưa từng hình dung mình sẽ được ngắm thành phố từ tầng thứ 49 của tòa nhà mà được CNN đưa vào trong danh sách 20 tòa nhà chọc trời độc đáo nhất thế giới.

Tất cả những thay đổi này tác động đến văn hóa và con người Việt Nam như thế nào ư? À, có lẽ phải mất vài năm thì tôi mới có thể trả lời câu hỏi này một cách đầy đủ. Nhưng một vài cảm nhận đầu tiên đã xuất hiện ngay trong mấy tuần đầu tôi ở đây.

Một điều không hề thay đổi: đó là con người Việt Nam vẫn luôn rất thân thiện và hiếu khách. Tôi luôn cảm nhận được rằng nếu có một người bạn Việt Nam, thì người đó sẽ mãi mãi là bạn trong suốt cuộc đời. Trong vài tuần đầu tôi ở đây, tôi cùng vài người bạn cũ đã đi du lịch đến thung lũng Mai Châu ở tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi thường xuyên đến Mai Châu hồi những năm 90 để chơi bóng đá với người dân địa phương và tận hưởng vẻ đẹp của vùng ngoại ô. Những người chủ nhà đã đón tiếp chúng tôi với tình cảm nồng ấm và đầy cảm xúc, cứ như chúng tôi chưa từng rời xa. Và tất nhiên, chúng tôi đã thưởng thức một bữa ăn đặc trưng của làng quê Việt Nam với biết bao nhiều là đồ ăn thức uống, chuyện trò rôm rả và cụng ly liên tục. Tầm quan trọng của việc ăn uống với gia đình Việt và đời sống xã hội là một điều nữa không hề thay đổi!

Một trận đấu bóng giao hữu ở Mai Châu

Nhưng có một điều thay đổi: cuộc cách mạng số đã có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, cũng như ở mọi nơi trên thế giới. Tôi thấy mọi người sử dụng internet và mạng xã hội để kết nối với nhau và tranh luận về những vấn đề mà công chúng quan tâm, theo cách mà 20 năm trước khó có thể tưởng tượng được. Ví dụ, Việt Nam đã có một số blogger cực kỳ thú vị và có lượng độc giả lớn.Cũng như vậy, xã hội Việt Nam mang hơi thở toàn cầu nhiều hơn, kết nối với thế giới nhiều hơn. Nhiều người nói tiếng Anh hay hơn, những người tôi gặp quan tâm đến những vấn đề toàn cầu nhiều hơn. Điều này một phần phản ảnh chiến lược “hội nhập quốc tế” của chính phủ Việt Nam. Nhưng tôi chắc chắn công nghệ mới mới là nguyên nhân chính kết nối tất cả chúng ta.

Vì thế, nếu tôi phải dùng một từ để tóm tắt cảm nhận của mình về Việt Nam, về việc trở lại đất nước này sau nhiều năm, từ đó sẽ là “lạc quan”. Tất nhiên, mọi thứ không phải tự nhiên diễn ra: chính phủ Việt Nam, cũng như tất cả các chính phủ khác sẽ cần có những sự lựa chọn chính sách đúng đắn về cải cách cơ cấu, về môi trường đầu tư, về chính sách thương mại và tài chính. Nhưng nếu Việt Nam đã đi được xa đến thế trong 20 năm qua thì 20 năm nữa sự phát triển sẽ xa đến mức nào? Chia sẻ quan điểm này với những người ở Anh, và khuyến khích các công ty và các nhà đầu tư Anh Quốc có tầm nhìn dài hạn về tiềm năm to lớn của Việt Nam sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ công tác của tôi ở đây.

Trong bài blog tiếp theo, tôi định sẽ viết một chút về sự thay đổi trong mối quan hệ hai nước Anh – Việt Nam. Sau đó, tôi chắc sẽ cạn chủ đề để viết. Nhưng tôi hy vọng các bạn đọc giả, đặc biệt là các bạn Việt Nam sẽ giúp cho tôi biết các bạn muốn tôi blog về vấn đề gì.

Tất nhiên, trang blog này không phải là kênh duy nhất để chúng ta kết nối với nhau. Đại sứ quán có một trang Facebook rất tuyệt, và tôi mong được gặp các bạn ở đó. Các bạn có thể đã thấy tôi – Tôi có một video (tất nhiên là nói bằng tiếng Việt) về những cảm nhận đầu tiên của tôi.

Hẹn gặp lại lần sau.