Tính đến ngày 18/3/2020, trên lãnh thổ Việt Nam đã có 76 trường hợp bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 24 bệnh nhân là người nước ngoài, tức là trên 35% bệnh nhân đã và đang được hệ thống y tế của Việt Nam chăm sóc là du khách nước ngoài.
Tôi trộm nghĩ thế này: trong thời đại mở cửa giao lưu, hội nhập quốc tế ngày nay, số khách nước ngoài vào Việt Nam và số người Việt Nam ra nước ngoài ở một thời điểm có lẽ cũng phải xấp xỉ nhau, bao gồm những người làm ăn, sinh sống, học tập và du lịch... Vậy mà sao trong số hơn 220.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước ngoài (tính đến 18/3) mới chỉ thấy có 2 trường hợp người Mỹ gốc Việt tử vong tại Mỹ vì Covid-19, không thấy thông tin có bao nhiêu trường hợp là công dân Việt Nam nhiễm virus SARS-CoV-2?
Những ngày này, hầu hết các y bác sỹ trên cả nước đều phải làm việc quên ngày đêm để ứng phó với dịch Covid-19. |
Hai tỷ lệ này chênh lệch nhau có thể nói là một trời – một vực khiến ta phải đưa ra hai giả định: Giả định thứ nhất là người Việt ở nước ngoài hầu như không bị dính SARS-CoV-2. Tại sao? Là do người Việt ở nước ngoài có sức đề kháng cao hơn dân bản địa nên không bị dính virus? Hay do tính cẩn thận (có chút lo sợ) nên người Việt phòng tránh được tốt? Hay là có nhưng do tôi (và các bạn) không có thông tin nên không biết?
Giả định thứ hai là người Việt Nam, nhất là những người thuộc diện du khách, không thể hoặc khó tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế ở nước sở tại. Vừa qua, cả nước từng rúng động với trường hợp một công dân Việt Nam bị dính SARS-CoV-2 ở một nước Châu Âu, buộc phải thuê cả một máy bay riêng để bay về Việt Nam điều trị? Tôi lại trộm nghĩ: trường hợp bạn đó còn may mắn là nhà “có điều kiện” cả về tài chính và mối quan hệ, chứ còn nếu rơi vào tôi, vào bạn, hay vào bất kể ai trong số đông chúng ta thì kết quả sẽ là như thế nào nhỉ?
Tôi không biết khi một người Việt Nam chẳng may bị mắc Covid-19 mà phải vào bệnh viện ở nước ngoài được chăm sóc, điều trị như thế nào, chứ còn ở Việt Nam, theo như thông tin chính thống thì có đến 20 bác sỹ, y tá và điều dưỡng chia làm 3 ca để chăm sóc bệnh nhân 24/24h trong suốt thời gian nằm viện. Có nơi đích thân Trưởng khoa, Phó khoa của bệnh viện phải thay nhau túc trực chăm sóc.
Hay như trường hợp một người nước ngoài cao tuổi, lại có bệnh nền về huyết áp và tiểu đường, hiện đang nằm viện ở Việt Nam có biểu hiện nặng khiến đích thân Thứ trưởng và Cục trưởng của Bộ Y tế và cả một số giáo sư, bác sỹ đầu ngành phải tham gia hội chẩn đề đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất có thể để cứu người.
Trong một biển thông tin dồn dập cập nhật về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân dương tính virus SARS-CoV-2, người Việt Nam cũng như người nước ngoài đang được điều trị tích cực, ta hãy để một phút trầm lại để nhận ra một triết lý rất mộc mạc, giản dị của dân tộc này: "Thương người như thể thương thân", “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”.
Cả thế giới đang cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 (Ảnh: Báo Quốc tế) |
Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu – đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid-19 này.
Tôi tin như vậy, và tôi chắc rằng các bạn cũng tin như vậy./.