Clip quay cảnh Công Phượng phát tờ rơi tại một ga tàu điện đã khiến cộng đồng mạng tại Việt Nam chú ý. Nhiều người không ngờ rằng một cầu thủ “con cưng” của người Việt sang Nhật lại phải làm những công việc như phát tờ rơi tại ga tàu, từ đó bày tỏ thái độ phẫn nộ xen lẫn sự thất vọng đối với Công Phượng. Liệu đây có phải một cách hành xử đúng?

Đó có thể là một cách hành xử thường thấy khi chúng ta nói chuyện với nhau, những suy nghĩ thường thấy khi bố mẹ dạy con, nhưng đó chắc chắn không phải một lối suy nghĩ đúng. Tại sao lại coi việc đi phát tờ rơi là bị “thất sủng”? Tại sao lại coi một cầu thủ phải làm những công việc như di phát tờ rơi lại là mạt hạng, thể hiện sự thất thế? Tại sao lại phải xót thương, tội nghiệp cho một cầu thủ tài hoa?

tranhcaiquanhchuyencongphuongphattoroitainhat_ervs.jpg
Công Phượng phát tờ rơi tại Nhật

Có thể điều đó xuất phát từ quan niệm phân biệt đối xử đối với nghề nghiệp trong xã hội của người Việt. Chúng ta thường mặc định một số nghề làm việc chân tay là công nhân, nông dân, lao công, phát tờ rơi… là những công việc thấp kém. Trong mắt nhiều người, những công việc đó không cần phải đầu tư suy nghĩ trí óc, nên đó mặc định là những công việc thấp kém của xã hội. Nhưng đó là một quan điểm sai lầm và đầy sự phân biệt. Không có bất kỳ người thành công nào tỏ thái độ coi thường những việc nhỏ, hay đánh giá công việc nào là thấp kém. Bởi nếu không có những việc nhỏ được thực hiện tốt, thì việc lớn chắc chắn cũng sẽ đổ bể.

Nếu những người nông dân không làm những công việc thấp kém đó, thì những nhân viên văn phòng máy lạnh kia có bỏ cả núi tiền cũng không có đồ ăn bỏ bụng. Nếu không có những người công nhân vận hành, thì máy móc có hiện đại đến đâu thì cũng đóng bụi và thành phế thải không sớm thì muộn. Nếu không có những người lao công cần cù và lặng lẽ, thì đầu ngõ đã ngập ngụa rác thải, bụi đường chất đống mỗi ngày, và chỉ trong 1 tháng chúng ta có lẽ không thể sống nổi ở Thủ đô với hàng tấn rác từ hàng triệu người bốc mùi và không được xử lý. Khi chúng ta chỉ nhìn vào bảng lương thay vì nhìn vào giá trị công việc đó tạo ra cho xã hội, chúng ta thường đi đến đánh giá nhầm, dẫn đến coi việc phát tờ rơi của Công Phượng là một biểu hiện rõ ràng của sự thất sủng của một cầu thủ đã từng là con cưng của cả đất nước.

Nhưng quan điểm thì người Nhật Bản thì rất khác, họ rất coi trọng sự sáng tạo, dù là trong bất cứ công việc nào. Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản là nguồn gốc của những thứ nổi tiếng cả thế giới như Doraemon, Hello Kitty, Pokemon… Đối với họ không có công việc nào là thấp kém, chỉ cần nó không vi phạm pháp luật, tạo ra giá trị, có ý nghĩa cho tập thể và cho xã hội, thì đều được hoan nghênh và cổ vũ làm tốt hơn nữa. Ở một công ty Nhật Bản, từ thư ký cho tới kế toán, khi việc văn phòng nhàn rỗi, tất cả sẽ thay phiên nhau xuống xưởng làm việc cùng công nhân, khuân vác hàng như bình thường. Đó là tận dụng tối đa nguồn nhân lực, tạo hiệu quả tốt nhất cho công việc, điều luôn được coi là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp.

Người Nhật Bản coi những việc như phát tờ rơi, lau dọn vệ sinh, tình nguyện đóng góp cho xã hội là những việc trau dồi con người, cần được thực hiện nghiêm túc và làm việc bằng tinh thần học hỏi và cầu tiến. Không quan trọng anh là ai, kể cả những người đứng đầu nội các chính phủ, hay những ca sĩ minh tinh màn bạc, hay là cầu thủ bóng đá nổi tiếng… Chỉ khi anh làm những việc được coi là nhỏ nhặt một cách tận tâm, thì chúng tôi mới có thể yên tâm giao cho bạn làm những công việc lớn.

Mỗi nhân viên trong tổ chức đều là những tiếng nói đại diện của tổ chức đó đối với cộng đồng. Mỗi cầu thủ bóng đá tại một câu lạc bộ cũng là những đại sứ thương hiệu của đội bóng đó đối với công chúng. Khi nhàn rỗi nghỉ ngơi, không phải tập luyện, thì rõ ràng để chính những cầu thủ đi phát tờ rơi sẽ thu hút được sự chú ý của công chúng tốt hơn rất nhiều một ai đó bình thương khác. Điều này thứ nhất tốt về mặt truyền thông cho đội bóng, thứ hai là trau dồi ý thức không nên coi thường những việc nhỏ của những cầu thủ đội bóng. Những người hâm mộ đội bóng thấy cầu thủ của mình cũng gần gũi với mọi người cũng sẽ tăng thiện cảm hơn.

Hẳn chúng ta chưa quên câu chuyện về anh chàng Vũ Xuân Tiến, một người hâm mộ cuồng nhiệt của Arsenal, chỉ nhờ chạy theo xe bus của các cầu thủ khi sang Việt Nam mà đã được mời lên xe, và sau đó được sang sân nhà của đội bóng ở Anh để xem trận đấu. Đôi khi những việc lớn lao xuất phát từ những hành động rất nhỏ mà trong mắt cộng đồng tưởng chừng như vô giá trị.

Tư duy phân biệt đối xử giữa nghề nghiệp thứ nhất là có thể gây tác động xấu tới tâm lý của những người bị coi là làm những công việc thấp kém, thứ hai là kìm hãm sự phát triển của những ngành nghề đó bằng một tư duy đầy định kiến. Henry Ford đã trở thành ông chủ nổi tiếng thế giới xuất phát từ một người công nhân. Có những người làm văn phòng máy lạnh bàn giấy hàng chục năm không có gì thay đổi. Nếu không đầu tư suy nghĩ khi làm việc, dù cho ở bất cứ công việc gì thì cũng là những người làm việc thiếu hiệu quả. Chúng ta cần tập trung vào mục tiêu và sự hiệu quả trong công việc, chứ không phải phân biệt đối xử giữa cách ngành nghề một cách định kiến và tiêu cực./.