Người Pháp là những người lãng mạn, tinh tế và lịch thiệp. Những nhận định như thế đã có từ lâu, dựa trên những giá trị về văn thơ, nhạc họa, kiến trúc, ẩm thực, tư tưởng... đến từ đất nước Lục lăng. Đôi khi chúng được khắc vào tâm trí của những người đối thoại như một sự liên tưởng tất yếu rằng đã là người Pháp thì phải rất tình cảm, giống như đã nói đến người Đức là phải duy lý hay người Mỹ là rất phóng khoáng.

Nghĩ về người Pháp như thế cũng không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng, nhất là với người Pháp hiện đại. Trải qua một thế kỷ 20 đầy biến động cùng những xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, cái chất Pháp không còn nguyên vẹn. Tình cảm, lịch thiệp thì vẫn còn nhưng kín đáo hơn, thận trọng và e ấp hơn trong cái vỏ bọc của chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng hoài cổ. Nước Pháp ngày càng đa văn hóa, đa tôn giáo thì cũng ngày càng phải chấp nhận với thực tế là sẽ có những khác biệt được tồn tại theo mặc định.

hollande%20va%202%20nguoi%20dep.jpg
Tổng thống Hollande "giữa" 2 người đẹp Trierweiler (trái) và Gayet (ảnh: AFP-Reuters)

Đây là cái khác giữa nước Pháp với những quốc gia phương Tây còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi các tư tưởng bảo thủ và những giá trị công giáo. Người Pháp khác người Anh. Người Anh có “Blue January – tháng Giêng buồn”, tức là cứ ra Giêng, số lượng các vụ li dị, chia tay của các cặp vợ chồng, tình nhân người Anh lại tăng vọt lên. Người Anh lý giải rằng, dù có đổ vỡ thì họ cũng ráng nhịn nhau qua Noel và năm mới để rồi mới đường ai nấy đi. Nghe giải thích như vậy thì cũng thấy hợp tình lắm.

Nhưng sự “hợp” đó liệu có áp dụng được cho người Pháp không? Ở đây là cho công dân số 1 của nước Pháp, Tổng thống Francois Hollande. Nửa tháng sau những bữa tiệc mừng năm mới, chuyện đời tư của ông Hollande đã nổi bật trên các trang báo vì phi vụ ngụy trang “vi hành” trên chiếc xe scooter trên các đường phố Paris để qua đêm với một người tình mới. Người trong mộng mới của ông tên là Julie Gayet, một diễn viên có tiếng với nhan sắc cũng chẳng kém gì người bạn gái - nhà báo mà ông vẫn cặp kè từ nhiều năm qua, Valerie Trierweiller.

Tổng thống Hollande cùng "Đệ nhất phu nhân"  Trierweiler cắt bánh tại một sự kiện ở điện Elysee (ảnh: AFP)

Những người Pháp, gồm ông Tổng thống và các công dân Pháp, đã phản ứng thế nào? Rất ngạc nhiên là sự việc lại chỉ như “đá ném ao bèo”. Trước các nhà báo, ông Hollande buông một câu lạnh lùng “việc riêng tư sẽ được giải quyết một cách riêng tư” còn công dân Pháp thì đến 77% đánh giá “đó là việc riêng của ông ấy” và sẽ không ảnh hưởng đến cách họ vẫn đang nghĩ về ông. Ở Anh mà như thế là không ổn rồi. Cách đây chừng 2 năm, một Bộ trưởng công đảng đã phải từ chức vì bê bối tình ái.

Ở Mỹ thì còn lớn chuyện nữa. “Economist”, một tờ báo kinh tế uy tín hàng đầu thế giới, vốn rất nghiêm túc trong các bài viết, thậm chí còn đăng một bài báo giả tưởng đầy thu hút. Bài báo đó như sau: đặt ông Barack Obama vào vị trí của ông Hollande. Và câu chuyện sẽ như sau: ông Obama lén lút đi moto trong đêm ở Washington DC để gặp gỡ người tình là nữ diễn viên nổi tiếng Jennifer Aniston khiến bạn gái là nữ nhà báo Katie Curic danh tiếng của kênh ABC News sốc đến mức phải nhập viện (y như bà Trierweiller sau khi nghe tin ông Hollande lăng nhăng).

Và người Mỹ sẽ nghĩ thế nào? 77% dân Mỹ nói đó là việc riêng của ông Obama. Đến đây thì không ổn rồi, bài báo nhận định, vì dân Mỹ đâu có thế. Ngày trước, khi ông Bill Clinton léng phéng với cô nữ thực tập sinh Monica Lewinski, vụ việc trở nên nghiêm trọng đến mức thành một cuộc khủng hoảng quốc gia, ông Clinton phải ra quốc hội điều trần và suýt chút nữa thì trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị mất chức vì chuyện tình ái.

Sau cùng, tờ “Economist” đi đến kết luận rằng “liệu nước Mỹ có tốt đẹp hơn không nếu mọi người có cái nhìn về tình ái dửng dưng như người Pháp”? Không có câu trả lời nhưng có điều chắc chắn là “có thể sẽ có nhiều người Mỹ tài năng hơn dấn thân vào chính trị nếu họ biết mình sẽ không bị thiêu sống vì những sai sót hoàn toàn tự nhiên và rất con người (như ông Hollande)”.

Ngày hôm qua, chính ông Hollande tự tay chấm dứt câu chuyện lùm xum. Ông tuyên bố chia tay với bà Trierweiller và mấy ngày nữa, ông Obama sẽ có cơ hội lần đầu tiên trong lịch sử đón tiếp một vị Tổng thống Pháp độc thân trong Nhà Trắng. Một phút cao hứng, họ sẽ trò chuyện với nhau về bài báo của “Economist”? Có thể lắm.

Giờ thì người Pháp chờ gì ở ông Tổng thống của họ? Rất nhiều kịch bản đã được truyền thông Pháp vẽ ra cho “chàng độc thân quyền lực nhất thế giới”. Nhiều người nói ông Hollande sẽ đợi vài tháng nữa cho ầm ĩ qua đi rồi sẽ chính thức cặp kè với cô Julie Gayet. Những người bị ám ảnh về chính trị thì nói có thể ông Hollande sẽ tái hợp với bà Segolene Royal, nữ chính trị gia đã sinh cho ông 4 người con, để cả hai cùng ghi điểm trước cuộc bầu cử địa phương rất quan trọng vào tháng 3 tới. Người lại nói ông sẽ độc thân suốt vì thăm dò dư luận cho thấy người Pháp không thích có “đệ nhất phu nhân”.

Thực ra, điều khiến dân Pháp tò mò nhất bây giờ lại là chuyện khác. Những lời đồn đại, rỉ tai nhau đã lan truyền suốt tuần qua trên báo chí và các mạng xã hội Pháp rằng bà Valerie Trierweiller, ngay khi nghe tin ông Hollande bồ bịch, đã nổi trận lôi đình vào điện Elysees đập phá đèn, tủ, gương và nhiều thứ quý giá khác, gây ra tổng thiệt hại nghe nói đến…3 triệu euro.

Ai cũng biết bà Trierweiller có tính ghen kinh hoàng nhưng ghen đến 3 triệu euro thì choáng váng quá. Chưa biết thực hư thế nào nhưng 92% dân Pháp tuyên bố hài lòng vì ông Hollande đã “đá” bà Trierweiller.

Thời buổi nước Pháp chìm ngập trong khó khăn kinh tế, chỉ nghe động đến tiền, mà lại là tiền to, là lớn chuyện rồi.

Mà ghen như thế, hình như cũng không phải cách yêu của một người Pháp (!)./.