Nếu như vụ cá chết trắng bờ ở Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung là cực kỳ nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến sinh kế của bao người thì vụ án quán Xin Chào ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đúng là chỉ “bé như cái móng tay”. Thế nhưng, vì “cái móng tay” bé tí ấy mà đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải trực tiếp chỉ đạo xử lý, cho thấy đây là chuyện không hề nhỏ mà là “nỗi lo tựa núi” cho người dân và doanh nghiệp, là biểu hiện không bình thường của hoạt động tư pháp, nếu không được giải quyết rốt ráo!

xin_chao_uhsx_trqy.jpg
 

Không chỉ lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh mà trong suy nghĩ của một số người, vụ án quán Xin Chào đúng là “bé như cái móng tay”. Thế nhưng, cái móng tay ấy đã bị cơ quan thực thi pháp luật đẩy lên quá mức cần thiết khi cho rằng nó “gây nguy hiểm cho xã hội” và “cần phải khởi tố để ngăn chặn, răn đe”!

Đến nỗi Thủ tướng Chính phủ, dù bận trăm công nghìn việc, cũng phải bỏ qua trình tự thủ tục, trực tiếp chỉ đạo xử lý, không để sự việc “bé như móng tay” ấy biến thành “nỗi lo tựa núi” đối với người dân bị cơ quan công quyền bóp chẹt; để “cái móng tay” ấy không trở thành nỗi bất bình của người dân và để những lời cam kết trong ngày nhậm chức của Thủ tướng về một “bộ máy hành chính vì dân, bảo vệ doanh nghiệp, nuôi dưỡng và phát huy nguồn lực xây dựng đất nước”… không bị một số cá nhân trong cơ quan tố tụng biến thành nước sông!          

Chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền. Mọi công dân có bổn phận sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Mục đích tối thượng của pháp luật không phải là sự trừng phạt, mà là để điều chỉnh hành vi xã hội, và hơn hết, là thể hiện tính nhân văn và sự văn minh xã hội, nơi mỗi công dân nhìn vào đó để hướng thiện, nghĩ thiện và làm thiện!

Hẳn là trong suy nghĩ của nhiều người, ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào - là một người làm ăn lương thiện. Nếu có vi phạm pháp luật, thì hành vi của ông cũng ít gây nguy hiểm cho xã hội. Bởi là người bán phở, hiểu biết pháp luật của ông chắc chắn không thể bằng các cơ quan nhà nước và không có ý thức phạm tội, nên giả sử nếu phạm tội, ông cũng sẽ nhận được sự bao dung, giúp đỡ của cơ quan quản lý nói chung và được áp dụng nhiều chế tài khác, trước khi phải xử lý hình sự. 

Đó là lý do vì sao một số vụ án hình sự, phán quyết của tòa thường tìm đến sự dung hòa với tâm lý xã hội, là sự giao thoa giữa pháp luật với đạo đức và giáo dục.

Người dân bày tỏ sự bất bình với các cơ quan tố tụng bởi chuyện “như cái móng tay” ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đang gây cho họ nỗi bất an. Mà nói như một vị Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ thì: “Nếu ông chủ quán Xin Chào thua kiện, có khả  năng hàng nghìn doanh nghiệp phải đi tù” vì những thiếu sót, chậm trễ trong chấp hành thủ tục hành chính về kinh doanh.

Trong khi những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ núi thủ tục hành chính, rừng quy định và biển thái độ ứng xử của các cơ quan nhà nước làm nản lòng nhà đầu tư chưa mang lại hiệu quả đáng kể, thì quyết định khởi tố của cơ quan thực thi pháp luật ở huyện Bình Chánh lại đẩy những lo ngại của giới kinh doanh trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.

Họ không chỉ lo thay cho ông Tấn, giận thay cho ông Tấn, mà còn lo và giận khi liên tưởng đến số phận của chính mình. Vì vậy, vụ án quán Xin Chào không phải là việc nhỏ. Lại càng không thể là chuyện “bé như cái móng tay”!

Nó không nhỏ bởi dưới góc độ nhân thân, khi một người mang tiền án, tiền sự thì không chỉ họ mà gia đình, họ hàng cũng bị ảnh hưởng; nó là vật cản trở trong phát triển sự nghiệp và cả thái độ nhìn nhận của người đời.

Hiện vụ án đã chính thức đình chỉ điều tra. Nhưng sẽ rất bình thường nếu đó là kết quả của việc làm trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm và không để xảy ra oan sai.

Chuyện "Bé như cái móng tay”, nhưng việc giải quyết lại gây nên “nỗi lo tựa núi”!  Vì thế, vụ án quán Xin Chào là dịp để những người liên quan trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nhìn lại mình, để thấu hơn vai trò, trách nhiệm mà Nhà nước và nhân dân giao phó cho họ!/.