Sự việc này một lần nữa cho thấy, tệ nạn xã hội này đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống và không trừ một ai. Người nghiện ma tuý đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội như: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động…

ma_tuy_ha_tinh_1_ktrt_ymdt.jpg
Nhóm người chơi ma tuý ở Hà Tĩnh

Cán bộ, công chức nghiện ma tuý không còn là chuyện lạ. Bộ LĐ-TB-XH cũng đã từng có báo cáo thống kê về tình hình nghiện ma tuý trong đội ngũ cán bộ, công chức trong cả nước và con số người nghiện không phải là ít. Người bình thường nghiện ma tuý đã là một mối lo cho gia đình và xã hội thì cán bộ, công chức nghiện ma tuý còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi, họ là những người được giao các chức trách, nhiệm vụ trong hệ thống các cơ quan nhà nước, có điều kiện tiếp xúc với nhiều người nên rất dễ xảy ra những lợi dụng, liều lĩnh để có thể kiếm tiền, phục vụ nhu cầu ma tuý cho bản thân.

Tôi đã được nghe chia sẻ của rất nhiều người từng có công việc, địa vị nhưng dính vào ma tuý, nghiện ngập. Bản thân họ cũng rất khổ sở, nhục nhã. Bởi, khi có tiền, giấu được hành vi của mình thì không có gì để nói. Khi đã lệ thuộc vào ma tuý công việc bê trễ, không làm ra tiền thì bản thân họ cũng đánh mất cả liêm sỉ, danh dự, từ người tử tế, đàng hoàng bỗng chốc họ trở thành những kẻ bệ rạc, thậm chí tắt mắt, trộm cắp.

Điều đáng buồn, cán bộ, công chức, giáo viên… đều là những người có hiểu biết, được ăn học tử tế, công ăn việc làm đàng hoàng, được cảnh báo và nhận thức sâu sắc về những tác hại của ma tuý; bản thân họ cũng không phải ở cái tuổi “ẩm ương” để có thể vấp ngã vào những thứ tệ nạn như vậy… nhưng vì sao họ vẫn sa ngã, vẫn bán mình cho cái chết trắng? Họ thừa biết, các cơ quan nhà nước không bao giờ chứa chấp những kẻ như vậy nhưng lại không vượt qua được cám dỗ. Bản thân họ là những người đã làm cha, làm mẹ, họ dạy dỗ con cái mình như thế nào?

Thực tế, trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước đang có không ít người  nghiện ma tuý nhưng có thể do còn giấu được hoặc do các mối quan hệ chồng chéo mà dù đã bị phát hiện nhưng chưa bị xử lý hoặc cơ quan nhân văn cho thêm cơ hội để làm lại cuộc đời. Những người làm ở các cơ quan có các đối tượng như vậy thường rất bất an, lo lắng, vì không biết “đồng nghiệp nghiện ngập” của mình sẽ gây ra chuyện gì, liệu mình có phải là nạn nhân của họ hay không...

Làm gì để cán bộ, công chức không dính vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma tuý? Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức cần tăng cường cảnh báo, tuyên truyền, giáo dục để công chức, viên chức tránh xa ma tuý. Cùng với đó, nhiều người ủng hộ phương án dùng biện pháp kiểm tra nhanh, kiểm tra bất ngờ đối với những trường hợp cán bộ công chức nghi sử dụng ma tuý. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh, nhận thức của mỗi người khi đứng trước các cám dỗ của xã hội, họ phải biết phân biệt và chiến thắng bản thân./.