Mục Blog tòa soạn ngày 14/4 có đăng bài của tác giả Trần Nhật Minh nhan đề Bỏ quên Tô Ngọc Vân: Trăn trở, xót xa là việc của hậu thế. Trong đó, tác giả có trao đổi quan điểm của mình về việc có nên hay không đề nghị xét truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho họa sỹ Tô Ngọc Vân.

Tác giả Trần Nhật Minh cho rằng: “Hạnh phúc chi bằng khi tên mình đã ẩn vào trong sức sống của tác phẩm… Tên ông là quá đủ để nói về một nhân cách và tài năng. Cái tên đó đã đủ là tấm hộ chiếu trình diện để đi vào trí nhớ mọi người, đi qua thời gian...”

“Còn đau buồn và xa xót là phần việc của hậu thế chúng ta khi phải đối mặt với những ứng xử lạ lùng. Trong cái thời mà hàng ngày chúng ta vẫn phải đón nhận thêm không biết bao nhiêu danh hão nhan nhản găm vào đời sống những thứ rởm đời, thì vẫn có những cánh cửa lạnh lùng đóng chặt với quá khứ, với những giá trị”, tác giả Trần Nhật Minh nêu quan điểm.

Tôi đồng tình với nhận định của tác giả Trần Nhật Minh, nhưng tôi cho rằng nó chưa đầy đủ.

dsc_1077.jpg
Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng với kẻ sĩ thì mấy cái danh hiệu hão không phải là mục đích của cuộc đời họ. Tên tuổi của một con người là nằm ở những gì họ đã đóng góp chứ không hẳn là những danh xưng, danh hiệu gắn theo tên, ghi chi chít trên cardvisit như trường hợp tác giả nêu trong bài. Bởi vì dù có cả ngàn danh hiệu cũng không ghi tạc được vào thế gian nếu anh chẳng làm nên trò trống gì. Đó chỉ là những cái danh hão.

Loạt bài về Tô Ngọc Vân mà VOV online đang thực hiện không phải để khẳng định lại giá trị của Tô Ngọc Vân. Loạt bài này chạm tới một phân khúc khác, phân khúc ấy thuộc về phía chúng ta, phía hậu thế, cao hơn là phía Nhà nước.

Có thể kẻ sĩ không cần, cụ thể ở trường hợp này là họa sỹ, thầy giáo, liệt sỹ Tô Ngọc Vân không cần, những người yêu mến ông không cần nhưng Nhà nước, nhân dân, các thế hệ học trò của ông tri ân ông là điều không bao giờ thừa.

Sự ghi nhận của Nhà nước, của xã hội không chỉ có ý nghĩa với bản thân người được vinh danh, nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, với hậu thế. Bởi vì đó là sự ghi nhận đối với những giá trị đẹp của cuộc sống. Không có lý do gì buộc các thế hệ sau luôn phải nghĩ đến một thực tế là cuộc sống luôn bất công với tài năng và sự tận hiến.

Sự thể hiện thái độ tôn trọng, kính trọng, nâng niu tài danh của họ, ngoài thái độ của từng cá nhân, thì còn là thái độ của Nhà nước thông qua các giải thưởng, các danh hiệu để ghi nhận và tôn vinh họ.

Họa sỹ Tô Ngọc Vân (ngồi thứ 5, hàng đầu, từ trái sang) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, tại Việt Bắc.

Tô Ngọc Vân và nhiều nghệ sĩ, thầy giáo, hay ở các lĩnh vực khác, họ đóng góp nhưng họ không yêu cầu đền đáp, nhưng trách nhiệm chúng ta là phải đền đáp, thậm chí là phải đền đáp đúng, đó là nghĩa cử ứng xử nhân văn của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết rằng trong ngành giáo dục còn nhiều trường hợp khác có công lớn nhưng vì đã mất nên không thể truy tặng vì Luật chỉ qui định là tặng chứ không có truy tặng.

Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú ghi nhận công lao, những đóng góp của một đời nhà giáo, nếu chỉ vì ai đó mất trước khi những Danh hiệu này ra đời mà mãi mãi không được truy tặng thì có lẽ cũng cần phải xem lại mục đích, ý nghĩa của danh hiệu mà từ đó tiến tới sửa đổi luật, vì luật là do con người làm ra. 

Tác giả Trần Nhật Minh có viết: “Đau buồn và xa xót là phần việc của hậu thế chúng ta”. Vâng, đó là cảm giác nên có “khi phải đối mặt với những ứng xử lạ lùng” nhưng chúng ta không nên chỉ khoanh tay đứng nhìn. Tôi tin rằng chúng ta cần đóng góp một tiếng nói xây dựng để chính sách của Nhà nước với người có công, với tài năng cần kịp thời, trúng và đúng hơn nữa. Tri ân là điều không bao giờ thừa./. >> Bỏ quên Tô Ngọc Vân: Trăn trở, xót xa là việc của hậu thế>> Họa sỹ Tô Ngọc Vân không được xét danh hiệu vì vướng Luật?