Hồi năm ngoái, một lần tôi thấy con tôi (cháu học lớp 5 ở trường tiểu học) chìa ra một cuốn sách nhỏ, vừa cười ngượng nghịu vừa bảo: “Mẹ ạ, trong quyển truyện cười này có chuyện bậy ơi là bậy”.

Hỏi ra thì sách do Hội cha mẹ học sinh của lớp mua, làm quà tặng cho các con. Nhiều bạn trong lớp con tôi được phát cuốn sách này. Sách của NXB Văn học, do công ty Trí Việt phát hành, có tên là “Học sinh cười”.

Tên sách như vậy, đối tượng đọc sách chắc là hướng tới các học sinh? Bìa sách khá đẹp, được trình

1.jpg
bày cũng giống như sách dành cho thiếu nhi (xem hình bên).

Nhưng khi tôi mở xem thì bên cạnh các chuyện cười nhẹ nhàng, có nhiều câu chuyện rất phản cảm, thậm chí tục tĩu; như các chuyện “Bé Tý và cô giáo”, Phân biệt “X” và “S”, “Váy của cô bay lên”, “Vô-va làm tính”, “Nghề nghiệp tương lai của Vô-va”… Có những chuyện thì quá “người lớn”, bọn trẻ có lẽ không hiểu nổi vì sao lại buồn cười; nhưng có những chuyện thì rõ ràng, đến trẻ con cũng nhận ra là bậy bạ.

Tôi còn đang tìm cách lựa lời để nói với cô giáo của con thì ngay hôm sau, cháu đã về cho biết là cô bảo thu lại các cuốn truyện cười đã phát. Hội Cha mẹ học sinh của lớp cũng nhắn tin xin lỗi về việc đã chọn sách không kỹ…

Tôi cứ nghĩ, những người biên tập cuốn sách ấy chắc là không có con nhỏ, nếu không thì hẳn họ đã phải ghi thêm vào trang đầu sách dòng chữ: “Không dành cho trẻ em”. Ô hay, nhưng “Học sinh cười” mà lại không dành cho trẻ em thì… là sao ? Mà dám chắc, những chuyện này nếu kể cho học sinh lớn cũng không phù hợp.

Trẻ em như trang giấy trắng. Vì thế, những ấn phẩm dành cho trẻ cần phải được biên tập một cách kỹ càng. Sách giải trí đã vậy, sách giáo dục trẻ mà sai sót hay lệch lạc, thì thật nghiêm trọng, không thể chấp nhận được.

Mấy ngày qua, sau khi hình ảnh “cổng trường cắm cờ Trung Quốc” được phát hiện trong sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của NXB Dân Trí, người ta lại phát hiện ra cuốn sách dạy tiếng Việt “Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1)” của NXB ĐH Sư phạm in cờ Trung Quốc.

Dư luận rất bất bình, thậm chí phẫn nộ với những sai sót này. Còn bực mình hơn nữa khi đọc lời giải thích của bà Giám đốc NXB Dân Trí rằng “đó là trường của Trung Quốc thì treo cờ Trung Quốc”, rằng “Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề".Thật là ấu trĩ, ngụy biện, lấp liếm cái sai.

Trong chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi, học sinh đã được học về đất nước, về lá cờ Việt Nam. Những hình ảnh quen thuộc từ thời thơ ấu sẽ in sâu trong trí nhớ. Từ đó cũng hình thành cho các em những khái niệm, những tình cảm thiêng liêng về Tổ Quốc của chúng ta.

Kể cả những cuốn sách giáo khoa không có lỗi, thì cũng có những “hạt sạn” khiến nhiều người “nuốt không trôi”. Anh Lê Hồng Việt, một vị phụ huynh có con học lớp 3 ở Hà Nội, đưa ra ví dụ như thế này: Trong môn Tập làm văn, con anh phải đọc bài “Người bán quạt may mắn” và trả lời câu hỏi ở sau bài đọc. Câu chuyện đó nói về nghệ thuật thư pháp và nhân vật Vương Hi Chi - một thư gia danh tiếng đời Ngụy Tấn bên Trung Quốc. “Câu chuyện có nội dung giáo dục trẻ em cần giúp đỡ người khác. Nếu vậy sao phải nói về một nhân vật xa xôi như thế? Cứ cho trẻ học bài đồng dao “Bà còng đi chợ trời mưa” có tốt hơn không ? Mà nếu nói về nghệ thuật thư pháp, thì đã cần thiết với trẻ học lớp 3 chưa ? Vả lại, danh nhân cổ Việt Nam, chả lẽ thiếu tấm gương văn hay chữ tốt? ”- anh đặt câu hỏi. (Bài học này được chia sẻ phổ biến trên các trang giáo án điện tử).Về lỗi sách “cổng trường cắm cờ Trung Quốc”, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khi trả lời báo điện tử Dân Trí đã bày tỏ rất buồn và nhấn mạnh: “Sách giáo khoa dạy cho trẻ phải chuẩn chỉ từng câu chữ. Nhất là với lứa tuổi mầm non, những hình ảnh trong sách sẽ đi vào sâu lắng tâm hồn trẻ em, có thể ảnh hưởng nguy hại đến việc xây dựng tâm hồn yêu nước”. Cũng nói về việc này, họa sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm (Báo Công an Nhân dân) cho rằng: “Việc sai sót là do chưa khắt khe trong khâu biên tập chứ không phải do có ý gì".

Sai sót nhiều khi không tránh khỏi. Nhưng có những lỗi không thể bỏ qua. Nhất là khi những người làm sách đã mắc lỗi, chắc hẳn vì quá ẩu.

Cẩu thả trong việc làm sách đã là tệ hại, vì cái sai lan rộng, tồn tại lâu dài. Cẩu thả, thiếu trách nhiệm khi làm sách cho trẻ em thì thật là tội lỗi. Việc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số sách có hình ảnh “cổng trường cắm cờ Trung Quốc” để chỉnh sửa chưa phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Phải làm rõ trách nhiệm các bên và nguyên nhân của sự việc để tránh xảy ra thêm những sai sót trong những cuốn sách sẽ xuất bản sau này.

Một ý kiến nữa của họa sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm cũng rất đáng được lưu tâm: "Tôi đã vẽ cho nhi đồng từ 1994. Trong việc vẽ cho các em, cũng tham khảo nhiều sách thiếu nhi Trung Quốc, thấy họ đầu tư khá đa dạng, hình minh họa công phu. Đó là nguồn tham khảo có ích, nhưng tuyệt đối không sao chép. Tiếc rằng thấy một số sách, truyện của ta vẫn dùng hình minh họa của sách Trung Quốc. Nhiều khi chỉ do ẩu, tiện thể đưa vào, rồi thành quen. Điều đó không cần thiết. Đội ngũ các họa sĩ thường xuyên vẽ cho nhà xuất bản Kim Đồng, báo Thiếu Niên, Nhi Đồng, Họa Mi...  tuy còn mỏng, nhưng đủ để đáp ứng thị trường sách trong nước. Các nhà xuất bản nên quan tâm điều này”./.