Mình đang bò ra làm báo cáo tham góp về đạo đức nghề nghiệp theo yêu cầu của cấp trên.
Thật ra viết kiểu “chót lưỡi đầu môi”, cắt dán này nọ thì độ nửa tiếng là xong. Nhưng không làm thế được. Đang bí nên lại lượn vào mạng thư giãn tý.
Trời ạ! Hầu hết các trang mạng hôm nay đều đưa tin về Nghị định 71 sửa đổi với nội dung đi xe không chính chủ bị phạt từ 1 đến 10 triệu đồng.
Tin không mới nhưng quá "hot". Cái xe dream mình đang đi là của vợ mình. Vậy phải đem theo cái gì của vợ để chứng minh đây? Chẳng lẽ hộ khẩu? To quá! Để đâu bây giờ? Hay giấy đăng ký kết hôn? Cái giấy đỏ chóe này còn to hơn cả sổ hộ khẩu.
Thế mới biết mấy bác đang thí điểm chứng minh thư mới nghĩ xa thật! Có cả tên bố mẹ trong đó. Nhân đà này có nhẽ phải ghi luôn danh tính của cả gia đình vào cho nó đồng bộ.
Phen này bọn trộm cắp gặp “hạn” rồi! Chúng mày làm sao chứng minh được quan hệ với chủ xe. Nếu bị sờ đến, bị bắt là cái chắc.
Nhà nước thu được thêm thuế. Bạn bè bây giờ không cho nhau mượn xe được nữa rồi. Phố xá chắc sẽ thông thoáng hơn vì hạn chế được mấy ông hứng lên là mượn xe lao ra đường.
Rõ ràng là cái vụ xe chính chủ này có cái tích cực nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn. Mình có cái xe máy của vợ đứng tên còn như thế huống hồ xe mua đi bán lại trên thị trường hiện nay vô cùng đa dạng, phức tạp. Mua xe của người ta cách nay vài năm chẳng đả động gì đến sang tên, nay gõ cửa nhờ người ta làm thủ tục cũng chẳng phải chuyện dễ dàng.
Đúng là lỗi thuộc về người mua bán phương tiện không tuân thủ quy định. Thế nhưng bẵng đi nhiều năm có thấy ai ỏ ê gì đến sang tên đổi chủ đâu, nhất là xe máy. Có vi phạm giao thông thì cảnh sát cũng chỉ hỏi giấy đăng ký và bằng lái xe, có thấy bác nào hỏi chính chủ đâu nhỉ? Nay, đùng cái bảo phạt cái tội này thì đâm ra hơi bị… bất ngờ. Phạt là đúng nhưng cũng thấy... ấm ức.
Là vì, bất cứ qui định nào mà cơ quan chức năng đã đưa ra nhưng lại không giám sát việc thực thi, thậm chí không thực hiện, giờ đùng cái siết lại thì e chưa ổn?
Đến to đùng như một vùng đất mà nếu anh không liên tục thực hiện các hành động chủ quyền thì những tuyên bố về sở hữu trước đó cũng là vô hiệu nữa là chuyện sang tên đổi chủ.
Thế nhưng luật đã ban hành thì dân phải chấp hành. Trong cuộc sống và trong nghề nghiệp, các hành vi không chỉ bị luật pháp điều chỉnh mà còn được dư luận và đạo đức can thiệp nữa.
Quay lại với cái báo cáo đạo đức nhà báo còn đang dang dở, nhà báo lão thành Đỗ Phượng nói, luật là để nói chuyện đượcvà không được làm, còn đạo đức nghề nghiệp là nói tới câu chuyện nên hay không nên.
Thế nên, cả luật, cả đạo đức nghề nghiệp phải luôn song hành thì mới có tình có lý. Cái vụ xe chính chủ trong Nghị định 71 cũng ối vấn đề nếu soi rọi nó từ khía cạnh đạo đức nghề nghiệp!/.