Về vụ xét xử nhà báo Hoàng Khương, hành vi của nhà báo này đã được tòa án phán quyết là sai theo pháp luật. Tuy vậy, có điều lạ là về tâm lý xã hội, nhiều người vẫn dành thiện cảm cho anh. Một nhà văn nổi tiếng nhận xét:  Thiện cảm dư luận dành cho Hoàng Khương cho thấy một điểm đáng chú ý: dư luận ấy đã quay ra  ủng hộ mọi phương pháp, kể cả theo luật là sai,  miễn là chúng thực sự chống tiêu cực.

Đây chính là mâu thuẫn cần xem xét. Ý kiến của nhà văn này đã nói lên một khía cạnh. Tôi chỉ bổ sung một số hiện tượng, với mức độ, phạm vi khác nhau, liên quan tới sự tin tưởng của dư luận, thậm chí của cả tổ chức nhà nước, vào các cơ quan chức năng.

 

 blog.jpg
 Pháp quyền là pháp luật được thượng tôn và quyền con người được đảm bảo

Chuyện người dân vây bắt rồi đánh chết kẻ trộm chó là ví dụ điển hình. Phải chăng một con chó có vài trăm ngàn nên không thể tống bọn trộm vào tù? Bọn này bị bắt vài ngày, sau khi nộp phạt lại nhơn nhơn chứng nào tật ấy nên người dân bức xúc làm thay cái công việc của luật pháp: tự xử lý bất chấp đạo lý và pháp lý.

Rồi việc xã hội đen đánh dân ở Văn Giang vẫn còn nóng hổi. Lác đác đây đó vẫn diễn ra các vụ giang hồ “thanh toán” nhau. Luật pháp đã bị coi thường và thay vào đó là luật rừng với hình phạt nặng nhẹ chỉ bằng một câu nói của kẻ thuê với mức tiền tương ứng.

Không đến mức chết người hay đổ máu như các vụ “xử lý” của xã hội đen, người dân ở nhiều nơi chỉ vì bất bình, uất ức một điều gì đó cũng tự cho mình cái quyền làm thay cơ quan luật pháp. Ví dụ như chặn xe chở rác, xe chở vật liệu khi đi qua làng.

Một hoạt động được cổ vũ và gây không ít tranh cãi là hoạt động của hiệp sỹ đường phố. Họ là người dân, với tinh thần Lục Vân Tiên chẳng thể ngó lơ tội ác mà tự phát hợp sức tham gia bắt cướp. Thành công, thành tích rất nhiều nhưng nếu bàn về tính chính danh của đội ngũ này xem ra không đơn giản.

Không tự phát như các chàng hiệp sỹ nữa, mới đây ngành giáo dục còn ra cả chế tài để cổ vũ học trò ngây thơ đi lùng sục, tố cáo gian lận phòng thi với những khuyến cáo lằng nhằng về thiết bị phục vụ cho công việc lẽ ra dành cho giám thị và thanh tra.

Liên quan đến vệ sinh thực phẩm, miếng ăn mấy Bộ cùng quản lý nhưng vẫn phải lưu ý thực khách nên “thông thái” mà chọn lựa.

Pháp quyền nôm na là không ai ngồi trên luật và đứng ngoài luật. Pháp quyền là pháp luật được thượng tôn và quyền con người được đảm bảo. Các mối quan hệ trong xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Người dân trông vào đó mà sống. Thế nhưng với những gì nêu ra trên đây, dẫu cá biệt và xuất hiện rải rác, nhưng cũng là chỉ dấu cho thấy con đường để hướng tới một nhà nước pháp quyền thực sự còn biết bao gian lao.

Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì thật nguy hiểm. Mấy vụ như phở có formol, nước tương có 3-MCPD, mì tôm có E.102 quá ngưỡng, giá đỗ có chất độc, thịt siêu nạc…đã khiến cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính điêu đứng. Người cung ứng lao đao vì không tiêu thụ được sản phẩm, xã hội thì hoang mang không biết bấu víu vào chỗ nào.

Nguy hại hơn nữa là nó âm thầm làm lung lay thước đo và các chuẩn giá trị. Liệu còn nơi nào khác trên trái đất này chọn mua rau quả phải có sâu!?; Liệu có ai lại đi khen quả chuối thâm xì, quả đu đủ chỗ thối chỗ ủng là an toàn !? Bây giờ ngộ nhỡ bị ngã xe mà có thanh niên nào tận tình chạy đến nâng đỡ, hỏi han…cũng lại thấy nghi nghi thiện ý của người ta. Khổ thế!/.