Một thanh niên thấy cô gái bị tai nạn bất tỉnh liền đưa vào bệnh viện Thuận Thành (Bắc Ninh) để cấp cứu. Những tưởng hành động đẹp của anh được bạn bè, người thân của cô gái cảm kích, ai ngờ chưa biết đầu đuôi sự việc ra sao, đám người quen của cô gái khi đến bệnh viện đã rút dao đâm thấu ngực ân nhân của người quen mình.

bi_dam_sau_khi_giup_nguoi_bi_tai_nan_lukd.jpg
Nếu biết "làm ơn mắc oán" thì ai dám làm ơn nữa?

Câu chuyện “làm phúc phải tội; làm ơn mắc oán”…  là đây. Trong cuộc sống hiện đại, dường như những hành động côn đồ đã khiến cái thiện, lòng nhân ái, sự tương trợ, giúp đỡ người bị nạn… hiếm đất sống. Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến bệnh vô cảm có đất phát triển.

Nhiều người thắc mắc, sao bây giờ ra đường nhiều người “máu lạnh” đến vậy? Nếu ai đó chẳng may gặp tai nạn hay vướng mắc gì trên đường thì lại không mấy người ra tay cứu giúp? Trong khi người hiếu kỳ thì xúm lại xem, không giúp được gì mà có khi còn gây tắc đường.

Có người giải thích rằng, kiến thức về sơ cứu, cấp cứu của nhiều người còn hạn chế, nhiều khi cứu người không đúng cách lại thành hại người nên họ sợ. Nhưng ở góc khác, nhiều người lại sợ “rước vạ” vào thân. Bởi đã có những chuyện, người đi đường giúp sau đó người bị nạn cứ “buộc” trách nhiệm, bắt đền, ăn vạ… mà chẳng biết phải giải thích, gỡ rối thế nào. Thậm chí, có khi người thân của người bị nạn hoặc chính người bị nạn có hành động côn đồ, đánh chửi cả chính những người ra tay cứu giúp mình như trường hợp vừa nêu trên.

Chính những thói côn đồ dễ phát tác đã khiến nhiều người khi thấy người gặp nạn lại tìm cách tránh xa bởi lao vào giúp biết đâu “chẳng phải đầu cũng phải tai”. Lâu dần, thành chai sạn, thành thói quen, khi ra đường nhiều người thấy cảnh ngang trái, tai nạn, cái xấu… thì thấy đó không phải trách nhiệm của mình, tạo thành thói/bệnh vô cảm trong toàn xã hội, làm mất đi truyền thống quý báu “Thương người như thế thương thân”.

Thế mới có chuyện, cả đám học trò lao vào đánh hội đồng một bạn nhưng những bạn xung quanh đứng quay phim, chẳng ai can ngăn, sau đó thản nhiên post lên Facebook câu like.

Bệnh vô cảm và thói côn đồ đang len lỏi khắp mọi nơi. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn hiện hữu trong nhiều gia đình, sự vô cảm của chính những người thân ruột thịt với nhau, của con cái với cha mẹ. Nhiều khi họ cắn xé nhau, thậm chí anh em đoạt mạng nhau chỉ vì tranh giành lợi ích. 

Bệnh vô cảm, có khi xuất phát từ sự ích kỷ của mỗi cá nhân nhưng nó cũng bắt nguồn từ sự thờ ơ, lạnh lùng của những người luôn tâm niệm “tôi không động đến ai thì đừng ai động đến tôi”. Họ thờ ơ với chính bản thân và quay lưng với những nỗi đau, bất hạnh của đồng loại, sẵn sàng làm ngơ trước cái xấu, cái ác. Đây thực sự là mối nguy với sự phát triển, tồn vong của dân tộc./.